Vua Lê Thánh Tông với chủ quyền giang sơn xã tắc

Thứ tư - 09/08/2017 16:26
Vua Lê Thánh Tông với chủ quyền giang sơn xã tắc

Vua Lê Thánh Tông với chủ quyền giang sơn xã tắc (Nguồn: Biên phòng)


21/03/2016 - 16:57

Biên phòng - Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng dân tộc và nhân vật lịch sử tiêu biểu, trong đó có Lê Thánh Tông - một đấng minh quân văn, võ song toàn. Ông không chỉ là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mà quan trọng là 38 năm ngồi trên ngai vàng, ông đã làm rạng danh đất Việt và để lại cho hậu thế nhiều bài học, nhiều "công trình" đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

g6e7_4a
Chùa Huy Văn thờ vua Lê Thánh Tông (ở ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội). Ảnh: Quý Hoàng

Vua Lê Thánh Tông, tên thật là Lê Tư Thành (còn có tên khác là Lê Hậu), hiệu Thiên Nam động chủ, con thứ tư của vua Lê Thái Tông, mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao. Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) tại nhà ông ngoại ở khu đất chùa Huy Văn, Khâm Thiên, Hà Nội ngày nay.

Tên tuổi và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông gắn chặt với một giai đoạn phát triển cường thịnh của đất nước. 38 năm làm vua, ông đã đưa triều Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt: Chính trị, xã hội, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa... Lên ngôi trong lúc triều chính nhà Lê đang lục đục mâu thuẫn, đức vua đã quan tâm đến việc nội trị, an dân nên nhanh chóng chấm dứt tình trạng phe phái trong cung đình, khẩn trương tổ chức xây dựng đất nước với một tinh thần cải cách mạnh mẽ, táo bạo.

Về cơ cấu chính quyền các cấp, ông đã tiến hành xóa bỏ hệ thống tổ chức hành chính cũ thời Lê Lợi từ 5 đạo đổi thành 13 đạo (tức 13 thừa tuyên), đặt các quan văn, quan võ phụ trách các ngành; củng cố lại các bộ, các viện, các ty nghiêm túc. Bên cạnh cải tổ cơ chế Nhà nước, Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý các biện pháp phát triển kinh tế, sửa đổi chế độ thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, mở đồn điền, khai khẩn đất hoang, đào kênh, khơi ngòi, mở mang đường sá, chợ búa làm cho muôn dân được phát triển an lành.

Những nỗ lực xây dựng phát triển đất nước của Lê Thánh Tông đã được phản ánh khá rõ qua các bài chiếu, chỉ dụ do ông ban như: Chiếu khuyến nông, Chiếu lập đồn điền, Chiếu định quan chế... Trong dân gian có câu: "Đời vua Thái Tổ - Thái Tông/lúa thóc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn"  là nói về đời sống người dân cực thịnh thời ấy.

Vua Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý về an ninh - quốc phòng, bảo vệ bờ cõi giang sơn; lực lượng quốc phòng bảo vệ đất nước được tăng cường hùng hậu. Trước kia, quân đội chia làm 5 đạo vệ quân, nay đổi làm 5 phủ đô đốc. Mỗi phủ  lại có vệ, sở. Bên cạnh còn có 2 đạo nội, ngoại, gồm nhiều ti, vệ. Ngoài tổ chức quân thường trực, Lê Thánh Tông còn chú ý lực lượng quân dự bị ở các địa phương. 43 điều quân chính do Lê Thánh Tông ban hành cho thấy kỷ luật quân đội của ông rất nghiêm ngặt.

Ông là người luôn chăm lo mở mang bờ cõi và quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ giang sơn xã tắc, gìn giữ chủ quyền quốc gia. Trước những mối nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, không chỉ cảnh giác đề phòng mà một số lần Lê Thánh Tông chủ động cho quân Bắc phạt không phải để chiếm đất, giành dân mà là để răn đe, làm nhụt tham vọng của giặc và đề cao sức mạnh của Đại Việt.

Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông luôn kiên quyết ngăn chặn những hành động xâm phạm biên giới của quân Minh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong việc tranh luận, đàm phán về vấn đề biên giới, ông chủ trương mềm dẻo nhưng quyết không nhân nhượng. Tháng 4 năm Quý Tỵ (1473), vua nói với các quan phụ trách việc bảo vệ biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di" (Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư). Chính dưới thời Lê Thánh Tông, bản đồ đầu tiên của quốc gia Ðại Việt đã được hoàn thành.

Bộ máy Nhà nước Trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh Tông đã đến mức hoàn bị, từ Trung ương xuống đến xã. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử. Bộ Luật Hồng Đức là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất trong sự nghiệp của Lê Thánh Tông và của cả thời đại ông.

Sự ra đời của Bộ Luật Hồng Đức được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh cao của xã hội Việt Nam thế kỷ XV. Lê Thánh Tông, người khởi xướng Luật Hồng Đức, cũng là người thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật đã ban hành. Nhà vua thường bảo với các quan rằng: "Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo". Về phương diện văn hóa, Lê Thánh Tông đã có công tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với một diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc.

Cùng với việc xây dựng thiết chế mới, Lê Thánh Tông đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ở Việt Nam thời phong kiến, chưa bao giờ nền giáo dục, thi cử lại thịnh đạt cũng như vai trò của trí thức lại được đề cao như đời Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn; ông còn xây kho chứa sách.

Trong 38 năm làm vua, đất nước đã có 501 người đỗ trạng nguyên, tiến sĩ... Ông khởi xướng lập nhà bia Tiến sĩ và tiến hành cho dựng bia để ghi danh, tôn vinh những người tài và đức của dân tộc Đại Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để các thế hệ, các triều đình sau này tiếp tục bổ sung các tấm bia vinh danh mới. Các tác phẩm: "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, "Hồng Đức quốc âm thi tập", "Hồng Đức thiên hạ bản đồ", "Thiên Nam dư hạ"... là những giá trị văn hóa tiêu biểu của triều đại Lê Thánh Tông.

Nói tới công lao của ông đối với nền văn hóa dân tộc, không thể không kể đến một việc có ý nghĩa lịch sử mà ông đã làm. Đó là việc ông đã minh oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi đã bị tiêu hủy thất lạc sau vụ án "Lệ Chi viên"; truy phong cho Nguyễn Trãi chức Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu và bổ dụng người con trai còn sót lại của Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ làm Đồng Tri Châu và cấp cho 100 mẫu ruộng làm nơi thờ cúng. Lê Thánh Tông đã cho tạc bia về Nguyễn Trãi: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo"(Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê).

Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ lớn. Không chỉ làm thơ, mà vua còn sáng lập ra Hội Tao đàn Nhị thập bát tú gồm 28 học giả giỏi nhất Đại Việt thời bấy giờ. Thơ Lê Thánh Tông có giá trị cao về nội dung tư tưởng. Qua thơ ông, chúng ta thấy được một nhân cách lớn, một tâm hồn gắn bó mật thiết với nhân dân, với non sông, đất nước, với những truyền thống anh hùng của dân tộc, của Tổ tông.

Đọc thơ ông còn thấy được khí phách cả một thời  dân tộc đang vươn lên, đầy hào tráng. Các tác phẩm ông để lại rất phong phú, gồm 9 tập thơ chữ Hán, hàng trăm bài thơ chữ Nôm và văn xuôi hiện còn được chép trong các tập: "Thiên Nam dư hạ", "Minh lương cẩm tú", "Quỳnh uyển cửu ca", "Cổ tâm bách vịnh", "Thập giới cô hồn quốc ngữ văn"... Thời trẻ, Lê Thánh Tông với thiên tư thông minh và rất chăm chỉ học hành, thể hiện con người có chí khí lớn. Khi ngồi vào ngai vàng với bao nhiêu công việc, nhưng nhà vua hầu như không lúc nào tay rời cuốn sách và xao nhãng công việc: "Lòng vì thiên hạ những sơ âu/Thay việc trời, dám trễ đâu/Trống dời canh còn đọc sách/Chiêng xế bóng chửa thôi chầu...".

Cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông có rất nhiều điều vĩ đại mà ông đã làm được. Sau này, Sử gia Ngô Sĩ Liên hết mực khen Lê Thánh Tông là "vua sáng lập chế độ, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, văn vật tốt đẹp, thật là vua anh hùng, tài lược". Ông là người đóng vai trò quan trọng đưa đất nước đi vào ổn định, kỷ cương bằng việc kết hợp hài hòa lễ trị và pháp trị. Ông có tầm nhìn chiến lược khi một mặt giữ vững cương thổ phía Bắc, mặt khác mở mang lãnh thổ xuống phía Nam, nâng cao vị thế Đại Việt.

Có thể nói, ông là một trong những nhà vua dưới các triều đại phong kiến nước Việt xưa luôn quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, cũng như biển đảo rất sâu sắc, rất đáng trân trọng, tự hào. Hơn thế nữa, vua Lê Thánh Tông còn là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn.  Ông  mất ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497). Mọi thế hệ người Việt Nam vẫn luôn luôn ngưỡng mộ, tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao của các vị tiền bối đã giữ yên xã tắc sơn hà cho dân tộc; trong đó, vua Lê Thánh Tông - một đấng vua minh quân toàn tài mưu lược và đầy khí phách của thế kỷ XV.

Lê Quý Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây