Lược sử làng Chính Đại - Chùa Hàn Sơn - Cửa Thần Phù (Nguồn: chuahanson.com)
Làng Chính Đại thuộc xã Nga Điền hiện nay có từ thế kỉ 15 -16. Lúc ấy có 4 hộ dân thuộc 4 họ tộc là Mai..., Lã..., Đinh..., Chu.. đều hành nghề ngư nghiệp trên cửa biển Thần Phù. Qua nhiều năm biển bồi, đất liền được hình thành cùng với một dòng sông Hoạt Giang tạo thành ngã ba sông ở giữa làng. Một nhánh vào Thanh Hóa, một ngách ra Ninh Bình và một nhánh chảy ra biển Đông.
Đến khoảng thế kỉ 16-17. Một số hộ dân đến thêm thuộc các họ tộc là: họ Hoàng, Nguyễn, Đào, Ngô, Vũ, Phạm, Bùi... Khi có khoảng 40 đến 50 hộ mới thành lập làng theo sự hướng dẫn của chính quyền lúc ấy được đặt tên là làng “ Quang Minh Chính Đại”. Dân làng chủ yếu cư ngụ ở hai bên ngã ba sông.
Làng Quang Minh Chính Đại là một quần thể di tích văn hóa, phía Tây là dãy núi bia Thần có Bia trên vách núi, có chữ Thần và 4 chữ Hán là “Nhật Nam Nguyên Chủ” phía dưới chạy dọc từ núi bia Thần đến núi Thung Treo có động Chùa Hang, Động Lục Vân và hang Lã Vọng, khi thời tiết thay đổi tiếng trống dưới hang đánh liên hồi vang...phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Bình ngăn cách bởi núi Cọc Đó và núi Cồn Xe. Phía sau làng là núi ông Tiến Sĩ, phía Nam là núi Thủ Lợn hướng chạy dài ra biển Đông.
Làng Quang Minh Chính Đại trước đây thuộc Châu Hoan quận Cửu Chân, Châu Ái quận Nhất Nam. Từ khi pháp đô hộ đã trực thuộc các đơn vị Hành Chính như sau:
1- Tổng Thần Phủ - Huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình
2- Tổng Đông Ban Hà Trung Phủ - tỉnh Thanh Hóa
3- Tổng Cao Vinh Nga Sơn Huyện - tỉnh Thanh Hóa
4- Tổng Tân Phong Huyện Nga Sơn - tỉnh Thanh Hóa
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Đảng lãnh đạo nhân dân ra giành lại chính quyền và khi đó xã Chính Đại được thành lập.
Ngày 16 tháng 10 năm 1949 giặc Pháp nhảy dù Kim Sơn - Phát Diệm.
Ngày 19 tháng 10 năm 1949 giặc Pháp đánh chiến Điền Hộ - Chính Đại
Ngày 20 tháng 11 năm 1949 làng Chính Đại tách ra từ xã Kiên Giáp để thành lập xã Điền Hộ và lập căn cứ địa chống Pháp tại làng Chính Đại.
Hiện nay làng Chính Đại thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa
- Làng Chính Đại có chùa Hàn Sơn ( Hàn Sơn Tự) được xây dựng tại Thần Phủ Hải Khẩu (cửa biển Thần Phù) từ năm 1979. Theo Sử Ký - cửa biển Thần Phù xưa kia là nơi nhiều sóng lớn ( Sóng Thần) vua Lê Đại Hành khi đi đánh giặc chiêm Thành qua đây gặp sóng lớn bị đắm một số thuyền nên ngài đã sai sỹ đạo La Thế Viên dẹp sóng thần để đoàn thuyền đi qua sau đó đạo sỹ được vua phong là: “Áp Lãng Chân Nhân La Thế Viện, Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.
- Năm 1797 chùa Hàn Sơn được xây dựng bằng gạch đá và lợp bổi, chùa được đặt ở cửa Thần Phù, phía sau chùa là núi Cọc Đó, phía trước là sông Hoạt Giang chảy qua, phong cảnh Sơn Thủy Hữu Tình. Chùa có một vị sư ông chủ trì, sau khi sư ông viên tịch. Đến năm 1800 cụ Đinh Công Sầm (đời thứ năm của Đinh Tộc) tu ở chùa Trang Tử phủ Yên Khánh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cụ về thăm làng Chính Đại thấy chùa hư hỏng, xuống cấp nên cụ xin về tu chùa Làng - (Hàn Sơn Tự). Và cụ đã xây lại chùa, tô tượng, đúc chuông. Cụ Sầm có công với Phật Đạo nên cụ đã được phong Hòa Thượng Thích Đàm Sầm. Sau khi cụ Thích Đàm Sầm qua đời tiếp đến là hòa thượng Thích Thành Cúp ở Thái Bình về trụ trì, tiếp đến là hòa thượng Thích Giác Ninh ở Hải Dương về trụ trì chùa Hàn Sơn.
Sau khi cụ Thích Giác Ninh viện tịnh đến năm 1930 sư thầy Huân Thỉnh cụ Lê Đăng Quê từ chùa Kẻ Đản về trụ trì chùa làng Chính Đại. Cụ Quê tiếp tục tu sửa lại chùa, xây đền thờ thánh Khổng (Nguyễn Minh Khổng) và xây phủ thờ Tam tòa Thánh Mẫu.
- Năm 1939 Thượng tọa Thích Đặng Quê được triều đình nhà Nguyễn mời vào kinh đô Huế để làm lễ Tứ Cửu cho Quốc Mẫu Bảo Đại và được triều đình nhà Nguyễn phong tước Chánh Kiểm Tăng Hoa Cương, Lướng Quốc Hòa Thượng Pháp - Việt - Hòa Thượng Thích Đàm Quê và công nhận Triều Tộc Nguyễn Đăng Quế. Số Tiền đượ triều đình ban thưởng cụ Quê đã làm từ thiện, xây cầu bê tông qua sông cho làng Chính Đại thay cho cầu khỉ đã cũ từ đó nạn ngã cầu, chết đuối không còn xảy ra như trước nữa.
Cụ Quế còn mở lớp dạy chữ Hán cho các chú các con em làng Chính Đại và giáo dục ý thức yêu nước cho họ.
- Thời kỳ năm 1936 - 1939, cán bộ các mạng của Đảng thường xuyên lui tới hoạt động ở hang đầu núi Cọc Đó sau điện Thánh Khổng. Mỗi khi có động thì rủ lui xuống hang và sang bên kia sông, đến năm 1948 hang này ta đã đánh sập để lấp sông chuẩn bị kháng chiến.
- Khi cụ Quê được Triều Đình nhà Nguyễn phong tước cụ đã trực tiếp vào Huế xin tha cho 7 cán bộ cách mạnh như: ông Tạ Quynh, ông Tôn Thất Toại, Nguyễn Hữu Kiều, ông Dần, ông Phạm Văn An, ông Mai Văn Cam, vì tất cả các ông trên đường đi bị bắt khoác áo tu hành trong đó chùa Chính Đại có hai ông là Mai Văn Cam và Phạm Văn An. Các ông đều là cán bộ hoạt động cách mạng của tỉnh thời kỳ tiền khởi nghĩa.
- Khi Hòa Thượng Thích Đàm Quê lâm bệnh nặng và qua đời thì hòa thượng Thích Thanh Thịnh (quê làng Chính Đại thuộc dòng Đinh Tộc) khi ấy đang trụ trì ở chùa Mỹ Quan về trụ trì chùa Hàn Sơn. Các vị Hòa Thượng trụ trì tại chùa Hàn Sơn sau khi qua đời đều được nhà chùa và các phật tử xây mộ tháp và đúc tượng để thờ tại nhà thờ tổ của chùa.
- Tháng 10 -1949 giặc đánh chiếm Điền Hộ - Chính Đại. Khi ấy chùa Hàn Sơn chỉ còn sư ông Ngoa, ông Đăng, ông Chuyên, chú Ấn, chú Diêu, chú Thấu, chú Chi và già Hậu...Sau đó sư ông và các chú đã sơ tán về chùa Hoàng Cương và đi tham gia kháng chiến.
- Năm 1949, chùa Chính Đại đã ủng hộ cho quỹ kháng chiến của xã Kiên Giáp: 1 tấn thóc, 20 con trâu và 129 con dê để làm thực phẩn cho du kích ăn luyện tập đánh giặc và ủng hộ 10 chỉ vàng cho Ban Kinh Tài của xã khi ấy là ông Đạt, ông Xường, bà Chất, ông Trụ để làm kinh phí hoạt động cho kháng chiến.
- Hòa thượng Thích Đàm Quế đã có nhiều công lao đóng góp cho Phật Đạo đồng thời cũng đã góp phần giáo dục con em làng Chính Đại và các chú ở chùa Hàn Sơn trở thành những cán bộ tốt như ông Cam, ông An, ông Ngoa tham gia hoạt động cách mạng năm 1945. Và sau năm 1945 là các ông Cứ, ông Bái, ông Ấn, ông Chi, ông Diêu đều là cán bộ Đảng Viên, ông Ấn là liệt sĩ, ông Chi là thương binh..v.v...
Làng Chính Đại trước kia đều có chùa, có đền, Đình làng, Điện Thánh nhưng đã bị giặc Pháp phá hủy hoàn toàn, nay chỉ còn lưu lại Thần Bài, (Đại Càn Quốc Gia Nam Hải) và ngôi mộ Tháp của Hòa Thượng Thích Đàm Quế ở chùa Hàn Sơn.
Năm 1951 tiểu đoàn ông Tường thuộc trung đoàn Quang Trung đánh bốt giặc ở Kè Chính Đại (đối diện chùa Hàn Sơn, bên kia sông). Ban chỉ huy đặt máy thông tin trong chùa và du kích tập kết tại đây để đánh giặc, bọn địch phát hiện, chúng đã mang xe ủi đến phá chùa và san phẳng toàn bộ khu chùa chỉ còn nền móng và thắp mộ cụ quê còn lại. Chùa Hàn Sơn cửa Thần Phù trước kia đều có tòa Tam Bảo, phủ mẫu, Điện thánh, nhà thờ tổ, nhà phòng, nhà ăn, điếm canh, gồm 14 ngôi nhà và 56 gian, 30 pho tượng và một tòa Cửu Long cùng các đồ thờ, Kiệu Long, Chiêng, Trống...Sơn son thiếp vàng và vườn cây ăn quả xanh tốt, xum xuê đều bị giặc cướp bóc và phá hủy hoàn toàn.
Đến năm 1998, bà con dân làng Chính Đại đã cùng nhau công đức xây lại ngôi chùa nhỏ trên nền móng của chùa Hàn Sơn năm xưa. Tháng 3 năm 2011 chùa Hàn Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tháng 8 - 2014 được sự thành tâm công đức của ông Mai Xuân Thắng - con người của quê hương cùng bà con dân làng Chính Đại và các cháu xa gần đã thành tâm tiến cúng kim ngân, vật liệu, công sức để tôn cất Chùa Hàn Sơn được khang trang, to đẹp như hiện nay. Chùa Hàn Sơn được khánh thành ngày 10 tháng 3 năm Bính Thân - tức ngày 16 tháng 4 năm 2016.
MỘT SỐ BÚT TÍCH VĂN HÓA
1. Cuối năm Hồng Đức thứ 25 (1494)
- Du khách đi thuyền vãng cảnh (Động Lục Vân, nay thuộc làng Chính Đại xã Nga Điền) đã làm thơ ví nơi đây “ Dòng nước uốn khúc như rắn khổng lồ” và Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông khi đi qua nơi này đã có thơ vịnh còn lưu lại:
“Khe núi Bóng Tà Hoa lấp lánh
Hoàng Dương Xuân đến điểu râm ran.
Suối trong ai rửa lòng thư thái
Nhà tối Đèn Treo Mộng Rểnh Rang”.
2. Mùa xuân năm Tân Dậu Triều cảnh Thống 1501
Thượng dương đồng chủ Lê Hiến Tông người đi thăm cảnh lạ khi tới Trích Trờ Sơn cao sừng sững như chiếc cọc giữa Biển, Vua đi thuyền qua cửa biển Thần Phù và leo núi Trích Trờ Sơn đề thơ.
“Vịn mây ngồi ngóng sóng Triều Tuôn
Sừng sững giữa dòng dề núi non.
Cảnh phật trời tây trên mặt nước
Chốn tiên phía trái dưới trần gian”
3. Năm 1514 Lê Trương Dực Vãng Cảnh Vân Yên (Chùa Hang Thị) cũng đề thơ:
“Chiều quang bát ngát Ngọc Sơn Xuyên
Ngạo nghễ tằng non giỡn Thúy Yên
Muôn dăm quan Hà Xa dã ngoại
Một bầu hoa cỏ rực quang Tiền
Mấy già thấp thoáng vui chiêm ngưỡng
Cây cối âm u, thú vong Biên
Chiếm cả bầu trời tiên xuân trụ
Thi nhân thêm đẹp thái bình niên”
4. Mùa xuân năm Tân Mão 1771
(Nhật nam Nguyên chủ) Trịnh Sâm đã neo thuyền bên bờ sông Hoạt và đề thơ:
“Gió nhẹ triều dâng trăng sáng soi
Lênh đênh chiếc lá thuận dòng trôi
Làn sông ngấn biếc bờ đôi phía
Rạng núi Hang Xanh giữa bóng trời”
5. Khách đi du ngoại:
Vãng cảnh chùa Hàn Sơn thấy cảnh đẹp sơn thủy hữu tình nên đã đề thơ trên núi cọc đó - cửa thần phù”
“Thần phù du ngoại tới nơi đây
Kia Bắc đây trung giữa chốn này,
Trên đỉnh Hàn Sơn cao chót vót
Dưới dòng giang thủy, lúc vơi đầy
Nơi đây cỏ cây nhìn thêm mến
Đền, Đài ẩn hiện ngắm càng say
Kìa ai đơm đó, ai đè sóng
Ngắm cảnh vắng người dạ ngẩn ngây”
Bài thơ hay về làng Chính Đại:
CHÍNH ĐẠI QUÊ TÔI
Hoạt Giang một dải trong xanh
Chia thành ba ngả vòng quanh xóm làng
Thu về lòng dạ xôn xang
Hương thơm lúa mới, rộn ràng tiếng ca
Thuyền ai nhẹ lướt xa xa
Ngã ba bến đợi, sao mà vấn vương
Đò ơi! Ai nhớ, ai thương
Sao em lại nỡ tìm đường về đâu!
Đò xưa, nay đã thành cầu
Hân hoan đón bạn đâu đâu tìm về
Chuông chùa vang vọng trên đê
Hàn Sơn Cổ Tự, ta về Cảnh Tiên
Thập phương ta có bạn hiền
Về đây tụ Hội, Thỏa niềm chờ mong.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn