LÊ LỢI

Thứ bảy - 12/08/2017 09:02

Lê Lợi (1385 - 1433) (Nguồn VietnamDefence)

VietnamDefence - “Suốt đời, Vua chỉ biết lấy mềm dẻo để chống cứng rắn, lấy sức yếu để chống giặc mạnh, lấy quân ít để thắng kẻ thù đông, không quá hao tổn xương máu mà vẫn khuất phục được đối phương. Cho nên, Vua đã chuyển vận bĩ sang vận thái, biến thế nguy thành sự yên, đổi thời loạn thành thời thái bình" - Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 10 - tờ 76 - a)

“Vua xướng nghĩa dấy binh nhưng chưa từng giết sai một ai. Suốt đời, Vua chỉ biết lấy mềm dẻo để chống cứng rắn, lấy sức yếu để chống giặc mạnh, lấy quân ít để thắng kẻ thù đông, không quá hao tổn xương máu mà vẫn khuất phục được đối phương. Cho nên, Vua đã chuyển vận bĩ sang vận thái, biến thế nguy thành sự yên, đổi thời loạn thành thời thái bình. Mới hay: Thiên hạ chẳng ai địch nổi đấng nhân giả chính là câu rất hợp với Nhà Vua vậy. Bởi thế, Vua lấy được thiên hạ và truyền được cơ nghiệp đến muôn đời là chí phải".

Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 10 - tờ 76 - a)

 


I. THUỞ HÀN VI

“Ngày mùng 6 tháng 8 năm ất Sửu (tức là ngày 10 tháng 9 năm 1385 - NKT), Vua sinh tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tinh Thanh Hóa - NKT). Khi mới sinh, trông Vua thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc thật là tinh anh, kì vĩ: mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt rồi, dáng đi như rồng, nhịp bước như hô, tiếng nói nghe như chuông... Bấy giờ, kẻ thức giả đều cho Vua là bậc phi thường (Đại Việt sử ký toàn thư , Bản kỷ, quyển 10, tờ 1-b).

Tất cả các thư tịch cổ đều nói rằng, tằng tổ của Lê Lợi là Lê Hối, người thôn Như Áng, huyện Lương Giang (nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa). Ông là người: “Ngay thẳng, chất phác, hiền hậu và ít nói, nhưng hiểu biết rất sâu xa, có thề thấy việc từ khi việc chưa xảy ra” (Đại Việt thông sử, Đế kỷ, đệ nhất)). Lê Hối kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên (người sách Quần Đội, huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), sinh hạ ra Lê Đinh (Chữ Đinh cũng đọc là Thinh, cho nên, Lê Đinh dược nhiều người phiên âm là Lê Thinh). Sinh thời, Lê Hối là thầy cúng nên thường có dịp đi khắp đó đây. Và trong một chuyến đi, vì quá say mê với đất Lam Sơn, ông đã quyết định dời nhà đến định cư hẳn ở đó.

Sử cũ chép :“Một hôm, Lê Hối đi chơi, thấy có đàn chim cứ bay lượn vòng trên một khu đất dưới chân núi Lam Sơn, trông tựa như một đám người đang tụ hội, liền nghĩ rằng chỗ ấy tất phải là đất lành, bèn dời nhà đến đấy mà ở hẳn, rồi khai phá ruộng vườn, tự chăm lo cày cấy, được ba năm thì thành sản nghiệp. Từ đấy, đời đời là hùng trưởng cả một phương. Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) về sau dựng cờ mở nước, thực cũng bắt đầu từ nền tảng này” (Đại Việt thông sử, Đế kỉ, đệ nhất. Các thư tịch cổ khác như : Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 10, tờ 1-a), Lam Sơn thực lục (Quyển 1)... cũng chép tương tự.).

Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, Lê Hối được truy tôn là Cao Thượng Tổ Minh Hoàng Đế.

Lê Đinh là tổ phụ (tức ông nội) của Lê Lợi. Khi Lê lợi lên ngôi Hoàng Đế, Lê Đinh được truy tôn là Hiến Tổ Tịch Hoàng Đế. Sinh thời, Lê Đinh được khen là người đã “nối được cơ nghiệp của tiền nhân, giàu lòng thương người, cho nên, xa gần đều quy phục. Trong nhà, có đến hàng ngàn tôi tớ” (Đại Việt thông sử, Đế kỷ, đệ nhất). Ông kết hôn với bà Nguyên Thị Quách, sinh hạ được hai người con trai, con trưởng là Lê Tòng, con thứ là Lê Khoáng.

Lê Khoáng chính là thân phụ của Lê Lợi. Sử cũ cho hay, Lê Khoáng là người thường “lấy lễ nghĩa mà tiếp đãi tân khách, thương yêu dân, hay chu cấp và giúp đỡ cho người nghèo khó hoặc bệnh tật, vì vậy khắp vùng đều cảm phục nghĩa khí" (Đại Việt thông sử, Đế kỷ, đệ nhất). Ông kết hôn với bà Trịnh Thị Ngọc Thương, sinh hạ được ba người con trai là Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi. Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, Lê Khoáng được truy tôn là Tuyên Tổ Phúc Hoàng Đế, Lê Học được truy tặng là Chiêu Hiếu Đại Vương, còn Lê Trừ thì được truy tặng là Hoàng Dụ Vương.

Về ngày sinh của Lê Lợi, sách Đại Việt thông sử còn chép thêm một câu chuyện một câu chuyện, tuy ngắn nhưng cũng khá ly kỳ như sau:

“Nguyên xưa ở làng Như Áng, xứ Du Sơn có mót cây quế và dưới gốc cây quế này thường có một con hùm xám xuất hiện, nhưng nó hiền lành, thân cận với người mà chẳng hề làm hại ai. Từ khi Vua ra đời thì không thấy con hùm ấy ở đâu nữa. Người đương thời cho đó là một sự lạ. Ngày Vua ra dời thì trong nhà có ánh sáng chiếu đỏ rực và hương thơm bay ngào ngạt khắp làng”! (Đại Việt thông sử, Đế kỷ, đệ nhất).

Kế nghiệp cha ông, lớn lên, Lê Lợi là Phụ Đạo (Phụ Đạo là tên chức danh đứng đầu một khu vực địa phương dưới cấp huyện. Phụ Đạo còn có uy quyền cả về mặt tinh thần dối với dẩn trong khu vực) đất Khả Lam. Cũng trong thời gian làm Phụ Đạo này, Lê Lợi “may mắn” có được một huyệt đất quý.

Sử cũ viết rằng:

“Thuở ấy Vua sai người đến cày ruộng ở xứ Phật Hoàng thuộc động Chiêu Nghi. (Người cày) bỗng thấy một vi sư già, mình khoác áo trắng, đi từ hướng làng Đức Trai tới, vừa đi vừa than rằng: Đất này đẹp quá, thế mà chẳng có ai để trao cho.

Người cày thấy thế, vội chạy về báo cho Vua hay. Vua chạy gấp đến hỏi . Có người cho biết: Nhà sư đã đi rồi.

Theo hướng chỉ, Vua đi nhanh đến sách Quần Đội, huyện Lôi Dương. (Dọc đường), Vua thấy có cái thẻ tre đề rằng:

Thiên đức thụ mệnh,
Tuế trung tứ thập ,
Số dĩ chỉ định,
Tích tai vị cập.

(Nghĩa là: Đức trời nhận mệnh, vào tuổi bốn mươi, số kia đã định, tiếc thay chẳng kịp).

Vua thấy chữ ấy mà mừng nên càng cố đi nhanh. Lúc ấy, rồng vàng hiện lên che lấy Vua. Vừa chợt thấy, vị sư già đã thưa rằng: Tôi từ đất Ai Lao đến, người họ Trịnh, tên tự là Bạch Thạch Sơn Tăng. Thấy Vua khí tượng khác người, đoán là có thể làm nên việc lớn.

Vua quỳ xuống tâu rằng: Mạch đất tôi đây sang hèn ra sao, dám xin thầy chỉ rõ cho.

Vị sư già nói: Xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi có một thửa đất rộng chừng nửa sào, có hình tượng như cái ấn của nước nhà. Bên tả có Thái Thất là núi Chí Linh ở mường Giao Lão. Trong núi ấy có gò Tiên Bạn và gò Chiêu Sơn ở xã An Khoái là án. Phía trước có nước Long Sơn. Phía trong có nước Long Hồ, hình xoáy như ruột ốc. Bên hữu có nước hồ bao quanh phía ngoài chân núi tựa như chuỗi hạt.

Đất ấy, đàn ông thì quý không thể nói được, nhưng đàn bà thì hẳn là sẽ phải thất tiết. Tôi e rằng con cháu ngài về sau không ở cùng với nhau. Ngôi báu tất có khi trung hưng. Mệnh trời có thể biết trước được. (Bây giờ) nếu có được thầy giỏi, đem hài cốt đi cải táng thì vẫn có thể phấn phát được dăm trăm năm.

Nghe lời vị sư già, Vua đem hài cốt của thân phụ táng ở xứ ấy. Vào khoảng giờ Dần (tức là khoảng 3 đến 5 giờ sáng - NKT), khi Vua về đến thôn Dao Xá Hạ thì vị sư già ấy cũng bay lên trời. Vì lẽ này, Vua cho lập điện Tiên Du ở đấy. Trong động Chiêu Nghi, Vua cho dựng am nhỏ (chỗ mộ Phật Hoàng). Đó chính là gốc cội của sự phát tích” (Lam Sơn thực lục, quyển 1).

II. ÂM THẦM CHUẨN BỊ

“Bởi biết người, biết ta,
Rõ chỗ yếu, chỗ mạnh,
Nên chờ dịp, đợi thời.
Khéo giấu sắc giấu tài,
Ăn thường nếm mật,
Ngủ thường nằm gai,
Lo khôi phục đất cũ,
Rửa đại nhục cho đời".

(Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú)

Năm Lê Lợi tròn 22 tuổi cũng là năm quân Minh tràn sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo đã nhanh chóng bị thất bại. Bởi đại họa này, những năm đau thương của đất nước bắt đầu. Dưới ách thống trị tàn bạo của quân Minh, trăm họ bị đọa đày và đói khổ. Giặc đã nhẫn tâm:

"Thui dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ"

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã bùng nổ ở khắp nơi, trong đó, nổi bật hơn cả là các cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi-Trần Quý Khoáng (1407 - 1413), khởi nghĩa Phạm Ngọc (1419 - 1420), khởi nghĩa Lê Ngã (1419 -1420)... Lê Lợi rất kính trọng gương anh hùng tiết tháo của những người đã quả cảm xả thân vì nước, nhưng Lê Lợi cũng nhìn thấy rất rõ những nguy cơ thất bại không thể nào tránh khỏi của họ.

Và xuất phát từ nhận thức sâu sắc đó, Lê Lợi đã âm thầm chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa khác, có quy mô to lớn hơn, ở ngay trên chính quê hương của mình. Toàn bộ quá trình chuẩn bi công phu này có thể tạm chia làm mấy nội dung chính yếu sau đây:

Chuẩn bị về dư luận

Nếu không nhanh chóng tạo ra được một dư luận mạnh mẽ trong lòng xã hội rộng lớn, thì sẽ không thể nào tập hợp và huy động được lực lượng cho cuộc vùng dậy lật đổ ách đô hộ của quân Minh. Nhưng trong điều kiện nghiệt ngã của hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, nếu không khôn khéo thì chính dư luận sẽ trở thành đầu mối quan trọng, khiến quân Minh có thể nhanh chóng lần mò ra mọi kế hoạch của Lê Lợi.

Trên cơ sở phân tích và cân nhắc thực tế phức tạp này, Lê Lợi chủ trương phối hợp chặt chẽ với những người bạn gần gũi và tâm đầu ý hợp nhất, tao ra sự nhất trí cao độ trong dư luận, trước hết là ở ngay trên quê hương của ông. Một trong những đặc trưng nổi bật của xã hội thế kỉ XV là dễ dàng tin vào những điềm lạ, và do đó, Lê Lợi đã bắt đầu tạo dư luận bằng cách tận dụng niềm tin vào những điềm lạ này.

Sử cũ chép rằng:

“Bấy giờ, Vua (chỉ Lê Lợi - NKT), kết bạn keo sơn với Lê Thận (tức Nguyễn Thận - NKT), người ở sách Mục Sơn, huyện Cổ Lôi. Thận làm nghề chài lưới ở đầm Ma Viện. Đêm ấy, dưới đáy nước (của đầm Ma Viện) bỗng có ánh sáng ngời lên như một bó đuốc. Thận quăng lưới cả đêm mà chẳng được con cá nào, chỉ được một thanh sắt dài hơn một thước. Thận liền đem về để trong góc nhà. Hôm đó, Thận làm giỗ gia tiên, Vua sang chơi nhà, thấy trong góc tối của nhà Thận có ánh sáng thì nhận ra đó là một thanh sắt. Vua hỏi:

- Đó là thanh sắt nào vậy?

Thận đáp:

- Đêm trước, tôi ra quăng lưới (ở đầm Ma Viện) rồi tình cờ mà bắt được.

Vua liền xin, Thận cho ngay. Thanh sắt ấy đem về mài ra thì thấy có hai chữ Thuận Thiên và chữ Lợi. Hôm khác, Vua vừa đi ra cửa thì thấy một chiếc cán kiếm mài chuốt đâu đó đã xong, liền khấn vái với trời đất rằng: Nếu quả là trời đã ban kiếm cho thì kính xin cho lưỡi kiếm và cán kiếm này vừa khít với nhau.

Xong thì ghép vào, quả vừa y với nhau, thành một cây kiếm. Một đêm trời làm mưa gió, sáng sớm hôm sau, Hoàng hậu (chỉ một trong ba người vợ của Lê Lợi, chưa rõ là ai - NKT) ra vườn rau cải, thấy có bốn vết chân người to lớn khác thường, liền vào gọi Vua. Vua ra vườn thì bắt được chiếc bảo ấn, trên cũng có khắc hai chữ Thuận Thiên và chữ Lợi. Vua ngầm hiểu đó là (báu vật) trời ban, bèn giấu kín việc này” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1. Trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn không chép là đầm Ma Viện mà chép là sông Lam Xuyên).

Những “điềm lạ” kể trên cứ thế truyền đi khắp Lam Sơn, và từ Lam Sơn, truyền dần đến khắp bốn phương thiên hạ. Hào kiệt mọi miền lần lượt dò đường tìm đến Lam Sơn, tìm đến với Lê Lợi. Là Phụ Đạo của đất Lam Sơn, Lê Lợi có đầy đủ điều kiện để ân cần tiếp đón họ:

“Vua tuy gặp buổi rối loạn mà vẫn bền chí ẩn náu chốn núi rừng, vừa lo cày cấy, vừa lấy kinh sử làm vui, đã thế lại còn chuyên tâm học sách lược thao. Vua hậu đãi tân khách, tiếp đón những người trốn tránh và làm phản (quân Minh), ngầm nuôi người đa mưu túc trí, cho của để giúp kẻ cô đơn khó nghèo, nhún nhường dùng lễ hậu để thu nạp hào kiệt” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1).

Tuy nhiên, thời nào và ở đâu cũng vậy, hễ có cao thượng là có thấp hèn, có anh hùng là có phản bội... Ngay trong buổi đầu của quá trình chuẩn bị đầy gian nan, Lê Lợi cũng đã vấp phải sự chống phá ác liệt của bọn phản bội, thấp hèn. Một trong những kẻ ấy là Đỗ Phú.

Sử cũ chép như sau:

“Bấy giờ ở thôn Hào Lương (cùng huyện) có tên Đỗ Phú tranh kiện đất đai với Vua. Hắn kiện đến tận tướng của nhà Minh. Quan xét án của giặc thấy hắn đuối lý, liền xử cho Vua được thắng kiện. Đỗ Phú nhân đó mà sinh ra thù oán, liền (tố cáo) rồi dẫn đường cho quân Minh tới bắt Vua. Vua cùng với Lê Liễu bỏ chạy. Đến sông Khả Lam thì thấy xác một người đàn bà, mình mắc áo trắng, đeo xuyến vàng và cài thoa vàng. Vua và Liễu ngửa nhặt lên trời khấn rằng:

Ta bị giặc Minh đuổi, xin giúp ta thoát nạn. Sau, nếu ta giành được thiên hạ thì sẽ lập miếu thờ. Hễ có bò hay heo để cúng tế thì sẽ cúng tế trước.

Vua và Liễu đắp mồ vừa xong thì giặc xua chó ngao chạy đến, bèn vội lẩn trốn vào gốc cây đa. Giặc đâm mũi giáo đúng vào đùi bên trái của Liễu. Liễu liền lấy một nắm cát vuốt mũi giáo cho sạch máu. Đúng lúc đó, bỗng có con chồn trắng từ trong hốc cây chạy ra. Chó ngao liền lao theo đuổi chồn. Giặc vì thế mà hết ngờ có người trốn trong gốc cây, bèn bỏ đi. Vua nhờ vậy mà được thoát. Về sau, khi đã dẹp yên thiên hạ, Vua phong cho người đàn bà áo trắng, chết ở Khả Lam là Hoằng Hựu Đại vương, và cả đến cây đa cũng được phong làm Hộ Quốc Đại vương” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1) .

Lê Lợi tuy bị Đỗ Phú âm mưu mượn tay quân Minh để hãm hại, nhưng, chí lớn vẫn không hề vì thế mà suy giảm. Hào kiệt từ tận vùng trung du xa xôi như Lưu Nhân Chú, Trần Nguyên Hãn; từ đất kinh thành Thăng Long như Phạm Văn Xảo; từ miền Nghệ An như Nguyễn Xí; từ đội ngũ nho sĩ lỗi lạc như Nguyễn Trãi,... vẫn nườm nượp kéo về.

Từ khi có Nguyễn Trãi, công cuộc chuẩn bị về dư luận chẳng những được đẩy mạnh hơn mà còn đạt tới trình độ tinh vi và sắc sảo hơn. Tương truyền, Nguyễn Trãi đã lấy mỡ viết vào lá cây tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, khiến cho kiến ăn thủng lá rồi lấy lá ấy mà thả xuống nước sông. Lá theo dòng nước trôi mãi.

Nhiều người bắt được, mật truyền cho nhau rằng đó là mệnh trời, vì thế, đã nô nức kéo đến tụ nghĩa dưới ngọn cờ của Lê Lợi. Và quan trọng hơn, khắp nơi đã sẵn sàng để ủng hộ Lê Lợi tùy theo khả năng cũng như điều kiện cụ thể của mỗi vùng.

Chuẩn bị về lực lượng và tổ chức

Đồng thời với quá trình chuẩn bị về dư luận, Lê Lợi đã gấp rút chuẩn bị cả về lực lượng và tổ chức. Về lực lượng, ngoài các bậc anh hùng hào kiệt, Lê Lợi chủ trương phải tập hợp và huy động cho bằng được sức mạnh cũng như trí tuệ của những người bị quân Minh bức hiếp, bóc lột nặng nề nhất, những người ở dưới đáy sâu nhất của xã hội. Nói theo cách nói của Nguyễn Trãi là:

"Nêu hiệu gậy làm cờ ,
Tập hợp bốn phương manh lệ".

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

Lúc đầu, số người tìm đến với Lê Lợi chưa nhiều, nhưng sau đó, đất quê hương của Lê Lợi trở thành nơi quy tụ ngày càng đông đảo nghĩa sĩ bốn phương. Để che mắt kẻ thù, cũng là để thuận tiện trong việc quản lý, Lê Lợi chia họ thành từng nhóm nhỏ, dựng trại rải rác ở nhiều khu vực quanh Lam Sơn.

Những nhóm này vừa khai khẩn đất đai và tích trữ lương thực, vừa thường xuyên luyện tập võ nghệ để sẵn sàng chờ ngày ra quân. Lê Lợi cẩn trọng chọn người giao việc cốt để phát huy hết năng lực riêng biệt của từng cá nhân, đồng thời, cũng để thông qua đó mà phát hiện thêm người hiền tài.

Đầu tháng 2 năm Bính Thân (1416), Lê Lợi đã long trọng tổ chức một cuộc hội thề tại Lũng Nhai (Lũng Nhai tức Lũng Mi hay làng Mé, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách Lam Sơn chừng 10 cây số), sử gọi đó là Hội thể Lũng Nhai. Tham dự Hội thề này, ngoài Lê Lợi, còn có 18 bậc hào kiệt thân tín khác là:

1. Lê Lai (người Dựng Tú, nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa).

2. Nguyễn Thận (người Mục Sơn, nay là xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

3. Lê Văn An (người cùng quê với Nguyễn Thận).

4. Lê Văn Linh (người Hải Lịch, nay thuộc xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

5. Trịnh Khả (người Kim Bôi, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

6. Trương Lôi (người Thu Mệnh, sau ông trở thành gia thần của Lê Lợi. Ông và Vũ Uy là hai người được Lê Lợi sai đi cày ruộng ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi. Tham khảo thêm mục số 1 - Thuở hàn vi cũng trong phần viết về Lê Lợi).

7. Lê Liễu (người cùng quê với Lê Lợi. Tham khảo thêm mục số 1 - Thuở hàn vi cũng trong phần viết về Lê Lợi).

8. Bùi Quốc Hưng (người Cống Khê, nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây)

9. Lê Hiểm (người dân tộc Mường, quê ở thôn Ngọc Châu, hương Lam Sơn, nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thành Hóa).

11. Vũ Uy (người cùng làng với Trương Lôi).

12. Nguyễn Trãi (tổ tiên người làng Chi Ngại, nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng, sau dời về làng Nhị Khê, nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây).

13. Đinh Lễ (người làng Thúy Cối, nay thuộc Lam Sơn, Thanh Hóa).

14. Lưu Nhân Chú (người làng Vạn Yên, nay thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái).

15. Lê Bồi (người làng Nguyễn Xá, huyện Lương Giang, nay thuộc Thanh Hóa.

16. Nguyễn Lý (người làng Dao Xá, nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

17. Đinh Lan (người làng Thúy Cối, cùng quê với Đinh Liệt).

18. Trương Chiến (người làng Thu Mệnh, cùng quê với Trương Lôi).

(Danh sách cụ thể của 18 người tham dự Hội thề Lũng Nhai trong các bộ gia phả xưa, gần giống như nhau chứ chưa phải là hoàn toàn giống như vậy).

Tại Hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi cùng các bậc hào kiệt thân tín kể trên đã long trọng thề cùng hồn thiêng sông núi rằng:

“Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến, cộng cả thảy 19 người, tuy họ hàng quê quán khác nhau, nhưng nguyện kết tình thân như một tổ liền cành, phận vinh hiển dẫu có khác nhau, nghĩa vẫn thắm như chung một họ”.

“Quân bằng đảng xâm lấn, vượt cửa quan làm hại, cho nên, Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến, cộng cả thảy 19 người, cùng chung sức chung lòng, giữ cho đất nước được yên, khiến xóm làng được ổn, thề sống chết có nhau, không dám quên lời thề son sắt”.

“Nếu như Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến ai thay lòng đổi dạ, núp bóng quân thù để cầu lợi trước mắt, không bền chí hoặc quên lời thề ước, thì kính xin trời đất và các đấng thần linh, hãy giáng trăm tai ương, khiến bản thân cho tới họ hàng và con cháu đều bị tru diệt, chịu hết mọi hình phạt của trời” (Lam Sơn sự tích).

Số người tham dự Hội thề Lũng Nhai chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số những người đã đến Lam Sơn tụ nghĩa lúc bấy giờ. Và tuyệt đại đa số những người có mặt trong cuộc Hội thề này, sau đó đều được trao những chức vụ rất quan trọng. Nói khác hơn, Hội thề Lũng Nhai thực chất là buổi lễ ra mắt được tổ chức dưới một dạng thức đặc biệt của Bộ chỉ huy Lam Sơn. Từ đây, tất cả lực lượng của Lam Sơn được quản lý và huấn luyện ngày càng quy củ. Từ đây, nhiệm vụ cụ thể của từng nghĩa sĩ Lam Sơn được quy định một cách rõ ràng.

Chuẩn bị về tư tưởng và khẩu hiệu đấu tranh

Đây chính là khâu chuẩn bị vừa có ý nghĩa quan trọng rất đặc biệt cũng vừa là chỗ đánh dấu sự khác nhau giữa Lam Sơn với tất cả các cuộc khởi nghĩa vũ trang đương thời. Người cộng tác đắc lực và có hiệu quả cao nhất của Lê Lợi trong vấn đề này là Nguyễn Trãi. Hàng loạt ý kiến xuất sắc của Nguyễn Trãi được Lê Lợi tán thưởng và mau chóng biến thành tư tưởng chỉ đạo chung của Bộ chỉ huy Lam Sơn .

Tư tưởng chung của Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn là phát động và lãnh đạo toàn thể nhân dân vùng dậy lật nhào ách đô hộ của quân Minh, giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước. Để có thể huy động được sức dân, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ cứu nước với nhiệm vụ cứu dân. Trong hai nhiệm vụ chiến lược này, cứu nước phải được đặt lên vị trí hàng đầu. Nói theo cách nói của Nguyễn Trãi là: “quân điếu phạt trước lo khử bạo” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo).

Muốn đánh và đánh thắng hoàn toàn lực lượng quân thù hùng hậu lại khét tiếng tàn bạo, đã và đang xiết chặt ách đô hộ trên toàn cõi nước ta, theo Lê Lợi và Nguyễn Trãi, Lam Sơn phải đồng thời tấn công trên rất nhiều mặt trận khác nhau, như: quân sự, chính trị, binh vận và đặc biệt là ngoại giao. Quân trung từ mệnh tập là tác phẩm tập hợp những văn kiện quan trọng, thể hiện những hoạt động vừa độc đáo lại vừa phong phú của Lam Sơn trên tất cả các mặt trận sôi động này (Tham khảo thêm: Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, nguyên bản Hán văn hoặc bản dịch Việt văn trong Nguyễn Trãi toàn tập).

Về quân sự, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cho rằng, không nên đánh vào thành vì đánh vào thành là hạ sách, ngược lại, phải biết khéo léo đánh vào lòng người (Lấy ý tứ bài từ của Ngô Thế Vinh viết cho Ức Trai di tập). Và, về kỷ luật, Lê Lợi cho rằng, phải xây dựng một đội quân trên dưới như cha con một nhà, Lam Sơn trước hết phải là đội quân nhân nghĩa.

III. DỰNG CỜ XƯỚNG NGHĨA

“Chính lúc nghĩa binh mới nổi,
Là khi thế giặc đang hăng”

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

Ngày mồng 2 tết năm Mậu Tuất (tức là ngày 7/2/1418), Lam Sơn long trọng làm lễ tế cờ xuất trận. Bấy giờ, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương và sát cánh với Lê Lợi là 35 võ tướng (Trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn thống kê cả một danh sách đến 51 người, nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì tất cả chỉ có 30 người. Đây theo Lam Sơn thực lục) cùng một số quan văn, 200 quân Thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, tổng cộng khoảng chừng 2000 người và 14 con voi chiến.

Đó là những con số phản ánh kết quả của một quá trình chuẩn bị rất công phu, nhưng, nếu so với quân cướp nước và bè lũ tay sai thì đó chỉ mới là một lực lượng rất bé nhỏ. Tương quan thế và lực giữa đôi bên hoàn toàn không cân xứng. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy, Lam Sơn phải chiến đấu trước hết bằng ý chí phi thường của mình và bằng niềm tin sắt đá vào sự ủng hộ mãnh liệt của nhân dân cả nước.

Từ khi dựng cờ xướng nghĩa cho đến tháng 5 năm 1423, nhìn chung, Lam Sơn chỉ hoạt động ở vùng rừng núi phía Tây của Thanh Hóa ngày nay. Lợi dụng ưu thế áp đảo về quân số và trang bị, quân Minh liên tiếp tổ chức các cuộc đàn áp đẫm máu, do vậy, Lê Lợi và các nghĩa sĩ Lam Sơn đã phải chiến đấu vô cùng gian khổ, thậm chí có lúc phải đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt. Bao phen, Lam Sơn bị tuyệt lương, phải đào củ rừng, hái lá rừng mà sống, Lê Lợi đành làm thịt cả voi chiến và ngựa chiến của mình cho quân sĩ ăn. Cuộc bao vây và đàn áp nghiệt ngã cộng với bệnh tật bởi lam chướng của núi rừng đã khiến cho nhân lực của Lam Sơn bị tổn thất rất nặng. Tình thế quả đúng như Nguyễn Trãi mô tả:

“Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện quân không một lữ”

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)


Tháng 5 năm 1423, khi mà Lam Sơn không thể tiếp tục kéo dài cuộc đối đầu bằng vũ lực, cũng là khi mà quân Minh đã mệt mỏi bởi những cuộc động binh triền miên, hai bên đành phải thỏa thuận bước vào một thời kỳ tạm thời hòa hoãn

IV. TRỞ LẠI LAM SƠN

“Trời thử gieo gian nan trước khi trao trách nhiệm,
Nên ta càng cố chí để vượt qua”
(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

Ngay sau khi hai bên thỏa thuận bước vào một thời kỳ tạm thời hòa hoãn, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh và toàn thể nghĩa sĩ liền trở lại Lam Sơn. Từ đấy, tuy quân Minh tạm ngưng các cuộc tấn công vũ trang vào Lam Sơn, nhưng bù lại, chúng tìm đủ mọi biện pháp tinh vi nhất, xảo quyệt nhất để chia rẽ, dụ dỗ và mua chuộc.
Từ đây, Lê Lợi cùng tướng sĩ của mình gấp rút tiến hành một loạt công việc sống còn của Lam Sơn như: sản xuất và tích trữ lương thực trong các kho bí mật, tu bổ và sắm sửa thêm vũ khí, tuyển mộ và củng lực lượng, tìm cách giao hảo để đề phòng những cuộc tấn công bất ngờ của quân Minh... Nói theo cách nói của Nguyễn Trãi là:

“Nội tu chiến cụ,
Ngoại thác hòa thân”

(Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú)

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tiềm lực của Lam Sơn chẳng những được phục hồi mà còn nhanh chóng phát triển, đủ để có thể bước vào một thời kỳ chiến đấu lâu dài và ác liệt hơn. Ngược lại mọi âm mưu xảo quyệt của quân Minh đều không thực hiện được. Trong thử thách mới, một lần nữa, Lê Lợi lại nêu cao tấm gương tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cứu nước cứu dân:

“Đạo trong thiên hạ, không gì đáng trọng bằng trung nghĩa, không gì đáng quý bằng danh tiết. Thích sống và sợ chết, lánh nhục mà tìm vinh... đó là những điều rất thường tình của con người. Tôi từ khi sinh ra đã thích danh tiết và trọng trung nghĩa, bởi ghét kẻ tiểu nhân nên dám dấn mình trong hoạn nạn, tuy trong cảnh gian nan nguy hiểm vẫn không hề nhụt chí bình sinh” (Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập - Thư gửi thái giám Sơn Thọ).

Lê Lợi từng nói: “Chim Tinh Vệ lấp biển, nào há quản gian lao, kẻ oan ức trả thù, đâu kể gì sống chết” (Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập - Tố oan thư). Ý chí của Lê Lợi cũng là ý chí chung của nghĩa sĩ Lam Sơn. Đó chính là sức mạnh chủ yếu nhất để Lam Sơn hiên ngang bước vào một giai đoạn hoạt động mới.

V. LẬT NGƯỢC THẾ TRẬN

“Trận Bồ Đằng: sấm vang chớp giật;
Trận Trà Lân: trúc chẻ tro bay”

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)


Tháng 10 năm 1424, tại Lam Sơn, Lê Lợi đã triệu tập và chủ trì một cuộc hội nghị quân sự rất quan trọng. Trong cuộc hội nghị này, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã có mấy quyết định lớn. Một là, chủ động tấn công vào quân Minh, chấm dứt hẳn thời kỳ tạm thời hòa hoãn. Hai là, bắt đầu giai đoạn chiến đấu mới bằng việc thực hiện kế hoạch chiến lược của danh tướng Nguyễn Chích: đánh vào Nghệ An để tìm “đất đứng chân” .

Ngay sau hội nghị này, Lê Lợi cùng tướng sĩ Lam Sơn bí mật hành quân vào Nghệ An. Tại đây, Lam Sơn đã thắng một loạt trận lớn ở Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu... Chỉ trong vòng một tháng, toàn bộ vùng đất Nghệ An đã được giải phóng (ngoại trừ một vài thành trì lớn, nhưng những thành này lại bị Lam Sơn ráo riết vây hãm).

Đồng bằng Nghệ An rộng lớn đã nhanh chóng cung cấp sức người và sức của cho Lam Sơn, khiến Lam Sơn đã mạnh lại càng thêm mạnh. Lê Lợi hiên ngang đặt đại bản doanh của mình ở núi Thiên Nhẫn (Tại đây, Lê Lợi cho xây thành để đặt đại bản doanh. Thành này nhân dân địa phương gọi là thành Lục Niên).

Sau khi giải phóng xong đồng bằng Nghệ An, Lê Lợi cho quân tiến ra giải phóng Diễn Châu và Thanh Hóa. Tương tự như ở Nghệ An, chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, Lam Sơn đã giải phóng toàn bộ vùng đồng bằng rộng lớn của miền đất này. Giặc phải co về cố thủ trong một vài thành trì kiên cố.

Trong lúc đó, một bộ phận lực lượng khác của Lam Sơn lại bất ngờ đánh vào vùng phía Nam của Nghệ An. Lúc bấy giờ, vùng này mang tên chung là Tân Bình và Thuận Hóa. Kết quả là lực lượng quân Minh ở đây đã bị đánh cho tan tành.

Như vậy là, từ tháng 10 năm 1424 đến tháng 9 năm 1426, một vùng đất giải phóng rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở về Nam đã hình thành và không ngừng được củng cố. Quyết định táo bạo và rất đúng lúc của Bình Định Vương Lê Lợi đã đem lại kết quả rất mĩ mãn.

Từ đây, tương quan thế và lực giữa Lam Sơn với quân Minh đã hoàn toàn thay đổi. Từ đây, Lam Sơn bắt đầu chuyển hóa, phá bỏ ranh giới chật hẹp của một cuộc khởi nghĩa vũ trang, vươn lên trở thành một cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô ngày càng lớn.

VI. TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC TỐT ĐỘNG - CHÚC ĐỘNG.

“Ninh Kiều: máu chảy đầy sông,
tanh hôi muôn dặm;
Tốt Động: thây phơi đầy nội,
thối để ngàn thu”

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo).

Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi hạ lệnh cho hơn 1 vạn quân, chia làm ba đạo khác nhau, cùng tiến ra Bắc, mở đầu một giai đoạn hoạt động mới của Lam Sơn (Về lực lượng và nhiệm vụ cụ thể của cả ba đạo quân, xin tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xảo). Các tướng thân tín của Lê Lợi như: Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Kha và Đỗ Bí (đạo quân thứ nhất), Bùi Bị, Lưu Nhân Chú, Lê Trương và Lê Ninh (đạo quân thứ hai), Đinh Lễ, Nguyễn Xí (đạo quân thứ ba)... có vinh dự được chỉ huy cuộc hành quân lớn này. Một lần nữa, Lê Lợi đã tỏ rõ niềm tin tưởng mãnh liệt và sâu sắc đối với lực lượng và tướng lĩnh của mình. Cũng một lần nữa, Lê Lợi tỏ rõ sự nhạy bén và quyết đoán rất đúng đắn của mình trước sự diễn biến vốn dĩ rất phức tạp của tình hình chung.

Đáp lại niềm tin tưởng mãnh liệt ấy của Lê Lợi, các tướng nói trên đều gắng sức lập công, đặc biệt là các tướng chỉ huy của đạo quân thứ nhất. Trong vòng một tháng, họ đã thắng ba trận lớn ở Ninh Kiều (nay thuộc Hà Tây), Nhân Mục (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) và Xa Lộc (nay thuộc Vĩnh Phú), buộc một loạt các tướng lĩnh cao cấp của quân Minh phải co về cố thủ trong thành Thăng Long và kêu cứu thảm thiết.

Tháng 11 năm 1426, nhà Minh sai Thành Sơn Hầu Vương Thông đem 5 vạn quân sang cứu nguy. Tình hình đột ngột thay đổi theo chiều hướng có lợi cho quân Minh. Nhưng cũng ngay khi Vương Thông vừa sang, Lam Sơn đã đánh một trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất ở Tốt Động-Chúc Động (nay thuộc Hà Tây). Mười vạn quân Minh tham chiến đã bị giết và bắt sống đến một nửa: Viên Tổng binh mới này của giặc chẳng những bị trọng thương, suýt bị bắt sống, mà còn phải cố thủ trong thành Thăng Long và liên tục kêu cứu.

 



Sau trận đánh có quy mô rất lớn này, Lê Lợi tiến ra, đóng đại bản doanh ngay tại khu vực ngoại vi thành Thăng Long (Lúc đầu, Lê Lợi đặt đại bản doanh tại Tây Phù Liệt, nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội; sau dời đại bản doanh về Bồ Đề, nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) trực tiếp chỉ huy cuộc vây hãm Thăng Long và các hoạt động khác của Lam Sơn:

“Vua thân đem tướng sĩ vây hãm thành Đông Đô (tức là thành Đông Quan hay thành Thăng Long - NKT). Giặc hễ ra đánh là thua, chí nản, kế cùng, viện binh chẳng có” (Lam Sơn thực lục, Quyển 2).

“Phàm sĩ nhân và quân dân, hễ đến cửa quân là Vua đều nhún nhường dùng hậu lễ mà tiếp đãi, xong thì tùy theo tài cao hay thấp mà trao chức” (Lam Sơn thực lục, Quyển 2).

Song song với việc không ngừng đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa cuộc chiến đấu với quân Minh, Lê Lợi cũng đã gấp rút tiến hành xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền mới. Các biện pháp tuyển chọn quan lại khác nhau được đồng thời áp dụng. Và đặc biệt hơn cả là ngay khi đang tiến hành vây hãm thành Thăng Long, Lê Lợi đã cho mở khoa thi nho học để chọn người đỗ đạt mà bổ dụng.

VII. TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC CHI LĂNG - XƯƠNG GIANG

“Đánh một trận: sạch không kình ngạc,
Đánh hai trận: tan tác chim muông”

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo).


Mùa thu năm 1427, ngay sau khi nghe tin nhà Minh liều lĩnh sai 15 vạn quân sang cứu nguy cho Vương Thông, Lê Lợi tổ chức cuộc hội nghị quân sự cao cấp lần thứ hai. Hội nghị đã bàn đến một loạt các vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng như: Đánh viện binh trước hay đánh bọn giặc đang bị vây hãm trong thành Thăng Long trước; nên đồng thời đánh cả hai đạo viện binh (một đạo 10 vạn do đích thân Tổng binh là Liễu Thăng cầm đầu và một đạo 5 vạn do lão tướng Mộc Thạnh cầm đầu) hay chọn một trong hai đạo để đánh trước, và nếu phải chọn một đạo thì nên chọn đạo nào, đánh viện binh thì đánh ở đâu và đánh bằng cách nào... Hội nghị cũng đã bàn đến một số vấn đề có liên quan khác như: Làm gì với Vương Thông đang bị vây hãm trong thành Thăng Long; làm gì với các thành trì nằm trên đường tiến quân của giặc; nhân dân các địa phương, đặc biệt là các địa phương nằm dọc đường đại binh của giặc sẽ đi qua, cần phải làm gì để đối phó với chúng; và khi Bộ chỉ huy Lam Sơn đã quyết tập trung lực lượng để đánh đạo quân 10 vạn tên do Liễu Thăng cầm đầu, thì phải làm gì đối với đạo quân 5 vạn tên do Mộc Thạnh chỉ huy...

Những vấn đề mà Bộ chỉ huy Lam Sơn bàn luận, nhất là những quyết định lớn của Bộ chỉ huy Lam Sơn trong cuộc hội nghị quân sự quan trọng này, một lần nữa đã tỏ rõ tài năng quân sự xuất sắc của Lê Lợi, lãnh tụ cao nhất, cũng là người giàu uy tín nhất của nghĩa quân Lam Sơn.

Từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 11 năm 1427, Lam Sơn đã đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh: trận Chi Lăng-Xương Giang (Về diễn biến chung của trận Chi Lăng-Xương Giang, xin tham khảo thêm phần viết về các danh tướng Lam Sơn khác).


Trong trận đánh lịch sử này, những tướng cao cấp nhất của giặc như Liễu Thăng và Lương Minh bị chém dầu, Lý Khánh thì hoảng hốt mà thắt cổ tự tử, Thôi Tụ và Hoàng Phúc thì bị bắt sống, toàn bộ đạo viện binh 10 vạn tên tiến vào nước ta qua ngả Lạng Sơn, hoặc bị giết, hoặc bị bắt sống:

“Lạng Sơn, Lạng Giang thây chất đầy đường,
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước”

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

 

Tin đại bại của Liễu Thăng và của các tướng chỉ huy đạo quân 10 vạn tên đã khiến cho Mộc Thạnh bạt vía. Hắn muốn nhanh chóng tháo chạy khỏi ải Lê Hoa (nay thuộc Cao Bằng) nhưng không thoát. Hai trận lớn của quân Lam Sơn ở Lãnh Câu và Đan Xá đã khiến cho quá nửa số giặc bị giết hoặc bị bắt sống:

“Lãnh Câu: máu chảy thắm dòng,
nước sông ấm ức;
Đan Xá: thây chồng thành núi,
cỏ nội nhuốm hồng”

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

Thảm bại của cả hai đạo viện binh buộc Vương Thông phải quỳ gối đầu hàng và nhục nhã rút hết tàn binh khỏi nước ta. Cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã kết thúc toàn thắng. Đúng là:

“Càn khôn bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt hối rồi lại minh.
Để mở từ đây muôn thuở thái bình
Rửa sạch từ đây ngàn thu nỗi nhục”

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

Thảm bại của cả hai đạo viện binh buộc Vương Thông phải quỳ gối đầu hàng và nhục nhã rút hết tàn binh khỏi nước ta. Cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã kết thúc toàn thắng.

IX. NGƯỜI KHAI SINH MỘT TRIỀU ĐẠI MỚI

“Trời sinh thánh (chừ) đất dựng nghiệp đế vương,
Càn khôn sáng lại (chừ) vận hội mới phi thường”

(Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú)

Tháng 12 năm 1426, để tạo danh nghĩa giao thiệp với nhà Minh, cũng là để vạch rõ hơn nữa bản chất giả dối của khẩu hiệu “phù Trần diệt Hồ” mà chúng từng rêu rao từ hai chục năm trước đó Lê Lợi quyết định đưa một người đóng vai hoàng tộc nhà Trần còn sót lại lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thiên Khánh (Người được đưa lên ngôi này, Lam Sơn thực lục nói là Hồ Ông, nhưng nhiều thư tịch cổ khác thì lại nói là Trần Cảo. Trên cơ sở kết quả phân tích sử liệu gần như nhau, phần lớn các nhà nghiên cứu hiện nay đều cho đó là Trần Cảo), còn Lê Lợi thì chỉ nhún mình xưng là Lam Sơn Động Chủ mà thôi. Sau trận đại thắng ở Chi Lăng-Xương Giang và nhất là sau khi quân Minh buộc phải cút khỏi nước ta, danh nghĩa nói trên chẳng những không cần thiết mà còn hoàn toàn không thể dùng. Ngày 14 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy lại quốc hiệu cũ là Đại Việt, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Triều Lê chính thức được dựng lên kể từ đó.

Để phân biệt với triều Lê mở đầu là Lê Hoàn, sử gọi triều Lê mở đầu từ Lê Lợi là Hậu Lê. Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã tiến hành một loạt những biện pháp cấp bách khác nhau, trong đó, nổi bật nhất là các biện pháp sau đây:

Xây dựng một bộ máy chính quyền mới theo một mô thức cũng hoàn toàn mới. Nếu thời Lý và thời Trần, nhà nước là nhà nước của quý tộc, thì từ đây, nhà nước là nhà nước của quan lại. Lớp quan lại đầu tiên, phần lớn đều xuất thân từ đội ngũ những người có công lao trong sự nghiệp chiến đấu chống quân Minh, nhưng sau đó, chủ yếu là xuất thân từ khoa cử.

Thực hiện lời hứa “cứu dân” mà Lê Lợi đã nhiều lần nhấn mạnh khi lãnh đạo cả nước vùng lên đánh đuổi quân Minh đô hộ. Năm 1429, chính sách “quân điền” (Quân điền là chính sách chia ruộng đất công của các làng xã thành từng phần bằng nhau, sau đó, đem cấp lại cho xã dân mỗi người một số phần khác nhau, tùy theo chức tước và địa vị xã hội của họ) được ban hành. Chính sách này đã làm cho tất cả mọi người trong xã hội đều có ruộng đất để cày cây, tức là làm cho tính chất giải phóng của cuộc chiến tranh giải phóng càng trở nên sâu sắc. Đất nước nhờ đó mà bắt đầu bước vào một giai đoạn bừng bừng khí thế hồi sinh.

Nhanh chóng thiết lập mối bang giao hữu hảo với nhà Minh nhằm tránh những hiểm họa binh đao lâu dài cho đất nước. Về phương châm chung của việc thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo này, nói theo cách nói của Nguyễn Trãi là:

“Đến như thần võ mà không giết,
Nêu cao đức lớn hiếu sinh.
Nghĩ kế lâu dài cho đất nước,
Tha hàng mười vạn sĩ binh .
Sửa hòa hiếu cho hai nước,
Tắt muôn đời ngọn lửa chiến tranh.
Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh”

(Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú)

Trọng thưởng cho những người có công trong cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ, khiến cho tên tuổi và sự nghiệp của họ rạng rỡ mãi với non, sông.

Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Lợi qua đời, hưởng thọ 48 tuổi. Một cuộc đời chỉ có 48 tuổi xuân, nhưng Lê Lợi đã có đến trên 20 năm chiến đấu ngoan cường vì sự nghiệp giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước, trên 5 năm dốc sức xây dựng nền thái bình thịnh trị cho non sông. Lê Lợi xứng đáng là một trong những vị anh hùng tiêu biểu nhất của lịch sử, là niềm tự hào bất diệt của dân tộc ta:

“Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại, chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng” (Hồ Chí Minh. Vì độc lập tư do, vì chủ nghĩa xã hội.-H.: Sự Thật, Hà Nội, 1970, tr.144).

Tổng kết những ghi chép tản mạn của thư tịch cổ, bước đầu, chúng ta có thể tạm khái quát những cống hiến của Lê Lợi đối với lịch sử nước nhà như sau:

Một là, bất chấp mọi khó khăn và nguy hiểm, Lê lợi đã quả cảm phát động và lãnh đạo thành công cuộc chiến đấu quyết liệt, nhằm lật nhào ách đô hộ của quân Minh, giành lại nền độc lập thiêng liêng cho đất nước. Lê Lợi là biểu tượng tuyệt vời của khí phách hiên ngang, của truyền thống kiên cường và bất khuất.

Hai là, bằng thực tiễn sinh động của cuộc đời mình, Lê Lợi đã để lại cho lịch sử những kinh nghiệm vô giá về nghệ thuật tập hợp và huy động sức mạnh cũng như trí tuệ của nhân dân cả nước vào sự nghiệp giành độc lập. Nếu không thực sự là bậc đại tâm thành (Là người có lòng thành, chí lớn) và có tài năng xuất chúng, Lê Lợi sẽ chẳng bao giờ có đủ uy tín và năng lực để tập hợp nhân tài trong khắp thiên hạ, sẵn sàng sát cánh với Lê Lợi, xả thân vì nghĩa cả. Nói khác hơn, Lê Lợi chính là danh tướng trong số các danh tướng, xứng đáng được lưu danh với thiên cổ.

Ba là, với cương vi lãnh tụ của phong trào Lam Sơn, sau thắng lợi trọn vẹn của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại, Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng đế, sáng lập ra triều Lê là một trong những triều đại lớn của lịch sử nước nhà. Với triều Lê do Lê Lợi sáng lập nên, một bước ngoặt mới của lịch sử dân tộc bắt đầu.

  • Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây