Lê Lợi có giết Lê Lai không ? Đâu là sự thật ?
* Nhân Kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 2018), 590 năm Hoàng đế Lê Lợi đăng quang (1428 - 2018), tôi viết những dòng dưới đây ở góc độ của con cháu dòng họ Lê qua tư liệu khảo cứu gia phả dòng tộc nhà Hậu Lê, để khẳng định rằng:
Một là: Lê Lai liều mình cứu chúa đã bị giặc Minh bắt tại núi Chí Linh lúc giải vây cho Lê Lợi vào tháng Giêng năm 1419, và Ông đã bị giải về Đông Quan, rồi đưa sang Tàu xứ tử vào ngày 8 tháng 8 năm 1421. Về luận điểm này, chưa thấy đề cập trong hầu hết tư liệu lịch sử.
Hai là: Có một Lê Lai đã bị Lê Lợi xử chết trong thời gian diễn ra khởi nghĩa Lam Sơn và ông Lê Lai bị xử chết trước ba quân để làm gương này là vào ngày 13 tháng Giêng năm Đinh Mùi 1427.
Ông Lê Lai này không phải ông Lê Lai cứu Lê Lợi.
Do Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết Lê Lợi giết Tư Mã Lê Lai năm 1427 mà không nói rõ là Lê Lai nào dẫn đến tranh luận bao lâu nay rằng chính Lê Lai liều mình cứu chúa bị giặc Minh bắt năm 1418 đã thoát ra được, trở về tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và bị chính người mình cứu đem đi xử trảm. Lê Lợi đã vong ân bội nghĩa.
Chính vì sự không rõ ràng trong một tài liệu lich sử lớn và quan trọng là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên này mà đã lan truyền đi một cách sai lệch từ bao lâu nay về Người ANH HÙNG ÁO VẢI LAM SƠN HOÀNG ĐẾ LÊ LỢI.
* Về Tư Mã LÊ LAI và Trung túc vương LÊ LAI
Căn cứ các nguồn tư liệu:
- Lam Sơn thực lục,
- Hoàng Lê Ngọc phả,
- Lê Triều Ngọc phả,
- Hoàng Lê cơ đồ tiên tổ,
- Lê Đại tộc Kinh Triệu Quận Việt Nam gia phả
- Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam;
- Đặc biệt gia phả Lê tộc sanh hạ của Anh em, con cái nhà Lê Lợi viết năm Thuận Thiên thứ 3, 1430 (bản dịch Lê Văn Du, 1969), ta có thể tóm tắt cuộc đời sự nghiệp của hai Ông có cùng tên LAI. Đó là Tư Mã Lê Lai và Trung túc vương Lê Lai.
1. TƯ MÃ LÊ LAI:
- Quê quán: làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
- Thân sinh:
Cha: Lê Tòng
Mẹ: Trịnh Thị Phiên
Em ruột: Lê Thị Thân, Lê Thị Khởi
Vợ: Ngô Thị Lịch
Con cái: Lê Phương, Lê Thị Ngọc Cương
Ông gọi Lê Khoáng là chú ruột. Lê Khoáng là cha của Lê Lợi.
- Sự nghiệp: Ông là một võ tướng, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ đầu nhưng không có mặt trong Hội thề Lũng Nhai 1416.
Chức vụ: Đại tướng quân cơ thiết kỷ
Lập được nhiều công trạng trong thời gian kháng quân Minh, được phong đến chức Nhập nội TƯ MÃ.
Năm 1427 ông bị xử tội chết và tịch thu tài sản vì tội kiêu ngạo, ăn nói khinh mạn, bất tuân quân pháp, cậy công trạng.
Lê Lợi xử tội chết ông Lê Lai là anh em thúc bá với mình để làm gương và răn đe trước ba quân khi cuộc chiến chống quân Minh trong giai đoạn cam go nhất. Những điều này thì sách sử không có nói đến.
2. Trung túc vương Lê Lai: Ông gốc họ Nguyễn.
- Quê quán: làng Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang Nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
- Con ông Nguyễn Kiều, do cả gia đình ông có công lao trong khởi nghĩa Lam Sơn nên được vua Lê Lợi ban quốc tánh Lê.
- Anh ruột: Lê Lan
-COn: Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm.
- Sự nghiệp: tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ ngày đầu. Ông có mặt trong Hội thề Lũng Nhai 1416.
Mùa Xuân năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn. Tháng Giêng năm 1419, do bị chỉ điểm bởi tên Thượng Ái Hà Đạo, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn bị vây chặt ở Núi Chí Linh. Nhiều người bị bắt, giết, nhiều ngày không còn lương thực phải ăn củ tự đào và giết cả ngựa của Lê Lợi để ăn.
Trong tình thế ấy, Lê Lợi đã hỏi quân sĩ ai có thể hy sinh tính mạng như Kỷ Tín đời xưa. Và Lê Lai (Nguyễn Lai) đã xung phong, khoác áo bào của Lê Lợi cùng với 300 người xông thẳng vào quân Minh để đánh lạc hướng cho Lê Lợi và quân sĩ chạy thoát. Trận quyết chiến cứu Lê Lợi này quân Minh bắt được Ông, áp giải về Đông Kinh, rồi đưa sang Tàu xứ tử ngày 8 tháng 8 năm 1421. Sách sử ghi Lê Lai liều mình cứu chúa bị giặc Minh giết 1419. Gia phả Lê tộc sanh hạ ghi 1421.
Tất cả các con của Ông đều hy sinh trước khi cuộc kháng Minh thành công.
Năm 1428, khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi. Lê Lợi đã ban thưởng công trạng, sắc phong Ông là Đệ Nhất công thần khai quốc. Lê Lợi dặn dò con cháu sau này nhớ ngày giỗ vua thì giỗ Lê Lai trước 1 ngày, nên trong dân gian lưu truyền HAI MỐT LÊ LAI, HAI HAI LÊ LỢI vì Lê Lợi mất ngày 22 tháng 8 năm 1433.
Sau này, Vua Lê Nhân Tông phong Lê Lai là Bình chương quân quốc trọng sự.
Vua Lê Thánh Tông phong Trung Túc vương.
Câu chuyện Lê Lai của hai Ông tên Lai là vậy đấy.
Ông Lê Lai gốc họ Nguyễn cứu Lê Lợi do giặc Minh giết chứ không như cách ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư không rõ ràng dẫn đến suy diễn không đúng như lâu nay nhiều người hoài nghi về Lê Lợi.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Lê Lợi xử tội giết Tư Mã Lê Lai, chính là ông Lê Lai bà con họ hàng với Vua nhưng phạm tội khi quân, bất tuân quân pháp.
TS. Lê Văn Nho
Hậu duệ Nhà Hậu Lê
Dòng Thiếu uý Quận công Lê Đạo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn