Cửa Thần Phù

Thứ tư - 09/08/2017 16:33

Cửa Thần Phù

Thần Phù là một địa danh của cửa biển nổi tiếng. Nhiều thế kỷ trở về trước, đây là nơi nguy hiểm đối với những thuyền bè vượt sông biển. Những núi đá nhấp nhô nằm ngay ở cửa biển, với những tảng đá ngầm có thể làm bể những chiếc tầu hay thuyền bất cứ cỡ nào. Từ sườn núi dốc dựng đứng chạy xuống phía thành vách núi ở dưới chân, sóng gió đánh thật mạnh vào đã tạo thành những hang sâu thẳm người ta không nhìn được cái chân tận cùng của nó. Khi thuyền bè gặp giông tố, gió thổi mạnh với bão lực không thể chống chọi được. Những con thuyền định mệnh đó, dù người ta có lèo lái tài giỏi tới đâu, cũng khó thoát hiểm nguy.

Cũng chính thế vào thời đó người ta vẫn truyền tụng cho nhau địa thế nguy hiểm qua cửa Thần Phù:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Nhìn lại sử sách , kể cả những chuyện xa xưa đã trở nên gần như hoang đường mà nhiều người tưởng rằng cái tên đó không có thực trong địa danh của miền đông nam tỉnh Ninh Bình và đông bắc tỉnh Thanh Hóa.

Những chuyện An tiêm từ thời vua Hùng . Nói như thế nó đã quá xa xôi rồi. Nhưng nếu đứng từ làng Tòng Chính nhìn về phía đông thì núi Nhân Sơn, người ta cũng gọi là núi An Tiêm, vẫn sừng sững đứng ngạo nghề qua nhiều thế kỷ, trên sườn núi cao là một ngôi mộ của An Tiêm sơn trắng vẫn thi gan cùng tuế nguyệt. Dưới chân núi phía bên kia, một ngôi đền vẫn được sơn phết bảo trì qua nhiều thế kỷ. Người dân ở đây có thể là giòng tộc họ Mai vẫn hằng năm nhớ ngày cúng tổ tới đây dâng hương tưởng niệm .


Đền thờ An Tiêm
Từ chân núi Nhân sơn, đi theo quốc lộ 1 vào phía bên phải, ngay qua cánh đồng Chưa, là đến làng Thành, làng Hà. Hai làng này vẫn có những thuở ruộng đất cát của bãi biển, nơi đây vợ chồng An Tiêm đã trồng trái dưa đỏ.

Ngày nay dân làng vẫn trồng thứ dưa đó. Thứ dưa hấu tròn bằng chiếc tô nhỏ, vỏ xanh đậm, ruột đỏ thẫm. Cứ năm nào cũng thế, đến mùa hè, người trong vùng lại được thưởng thức món dưa này và quen gọi là dưa hấu.

Vì đất cát thiếu mầu mỡ, dân hai làng này thường đi tới những làng lân cận để kiếm phân trâu, phân bò về bón cho ruộng nương tươi tốt.
Hòn núi mà bao nhiêu thế kỷ trước đây nó còn nằm ngoài biển khơi xa tắp tận chân mây. Từ đó, vợ chồng An Tiêm chiều chiều vẫn ngồi trên bãi biển hướng về quê nhà. Nỗi thất vọng tràn ngập tâm hồn, tưởng sẽ không bao giờ được đặt chân trở lại đất liền.
Cũng trong huyền sử, người ta kể truyện thần tiên của Từ Thức lạc vào động tiên . Câu chuyện của Từ Thức cũng thụt lùi vào bao nhiêu thế kỷ. Có ai tin được truyện thần tiên đó. Tưởng chừng như hoang đường. Thế nhưng động Từ Thức vẫn là nơi thắng cảnh tại Huyện Nga Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Hàng ngày có biết bao nhiêu du khách đến thăm động.

Một hôm đọc trong Hợp Lưu, tôi thấy một mảng văn trong dịp nhìn lại 30 năm sau khi mất miền Nam Việt Nam, Đinh Từ Bích Thúy đã kể lại chuyện ông nội đặt tên cho bố mình là Đinh Từ Thức. Cái tên được đặt cho người con trai út sau khi ông bà tới vãn cảnh động Từ Thức.

Mảng văn ấy đơn sơ dí dỏm đã nói lên cái địa danh thật sự nằm trong huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cái huyền thoại từ thuở xa xưa thuở nào như chuyện hoang đường. Nhưng địa danh của nó vẫn còn đó. Tôi muốn nhắc lại cái mảng văn này để đưa cái tên Từ Thức đến gần với thế kỷ của chúng ta đang sống.

Theo truyện thì chiếc động này khi xưa cũng ở xa ngoài biển khơi cửa Thần Phu, xa nhưng không xa tít mù như nơi An Tiêm bị đi đầy. Thế nhưng từ động Từ Thức hiện nay tới núi An Tiêm chỉ cách khoảng trên dưới năm cây số theo đường chim bay. Từ Thức trong lúc ngao du đã cặp thuyền vào một hòn đảo, nơi đây chàng đã được đón vào động tiên. Thế mà nay cái động tiên đó đã nằm vào đất liền, cách biển cả trên mười mấy cây số. Cũng nên ghi nhận khi Từ Thức dùng lá thuyền nhỏ đi ngao du tại Cửa Thần Phù, lúc đó Thần Phù đã được đất bồi nhiều, đã đưa gần vào đất liền để Từ Thức có thể đi du thuyền mà không bị sóng gió nguy hiểm.
Rồi trong những thế kỷ trước đây, những nét được ghi trong sử sách, những tài liệu truyền giáo, tài liệu văn học chúng ta cũng thấy mỗi thế kỷ, giòng nước mang đất phù sa của hai con sông Hồng Hà và sông Đáy đã bồi đắp, đưa những núi non hiểm trở trước kia nằm rải rác xa đất liền cứ từ từ nối vào làm thành giải đất mầu mỡ của châu thổ thuộc vùng cửa Thần Phù.

Thần Phù khi xưa cũng là một cửa biển chiến lược rất quan trọng. Theo sử sách, sau khi vua Duệ Tông tiến đánh Chiêm Thành bị tử nạn rồi. Quân của Chế Bồng Nga thừa thắng xông lên, lại đưa quân sang chiếm đánh nước ta. Ngày 11 tháng 6 năm Đinh Tỵ ( 1377 ) quân Chiêm Thành lại khởi quân tiến đánh, thấy cửa Đại An lúc bấy giờ theo lệnh vua có quan quân chuẩn bị canh gác kỹ lưỡng, nên đã xua quân vào cửa Thần Phù ( sông Chính Đại, thuộc huyện yên Mô, tỉnh Ninh bình) tiến chiếm kinh thành Thăng Long, khiến vua Trần Dụ Tông phải bỏ trốn.

Trong các tài liệu giáo sử của đạo Công giáo, người ta có ghi việc Linh Mục Alexandre de Rhodes, vị sáng lập chữ quốc ngữ mới viết theo mẫu tự Latin, cùng linh mục P. Marquez đã được gửi từ Macao ngày 12 tháng 3 năm 1627 đến Việt Nam để giảng đạo . Sau 6 ngày thuận buồm xuôi gió, tiếp theo sau đó là gặp bão táp. Tầu phải dạt vào cửa Bạng, Thanh Hóa để tạm trú.
Các nhà truyền giáo đã dừng lại đây để lo việc truyền giáo. Khi đó có nhiều người ở những vùng chung quanh cũng tới thọ giáo. Cũng chính thời gian này, Linh Mục Marquez đã dựng cây thập giá trên núi. Hai tháng sau, chúa Trịnh trên đường đi đánh chúa Nguyễn về, thấy thập giá trên núi Vân No tức Hảo Nho, liền mời hai linh mục này tới và dẫn về Thăng Long. Chúa xây cất một căn nhà ở gần phủ và cho phép tự do giảng đạo.

Núi Vân No sau này đổi tên là Hiếu Nho, rồi Hảo Nho. Cho đến nửa thể kỷ hai mươi, người trong vùng cửa Thần Phù vẫn còn trông thấy thập giá bằng đá thật lớn đứng trên cao ngọn núi này.
Từ cửa sông Chính Đại, chúng tôi vẫn trông thấy cây thập tự này. Từ cửa sông Chính Đại theo đường chim bay chỉ cách xa những núi nguy hiểm cho cảnh vượt biển hơn một cây số. Như thế chúng ta có thể chấp nhận cái giả thuyết phía các núi An Tiêm, Chóp Chài, Sơn Tiền đã đi gần sát vào đất liền, đã vào gần đến núi Hảo Nho vào khoảng thế kỷ thứ mười bảy, nên Chúa Trịnh mới trông thấy cây thập giá và cho mời hai nhà truyền giáo ra Thăng Long để giảng đạo.
Trong hai thế kỷ vừa qua, Thần Phù không còn là nơi nguy hiểm cho những người vượt biển e ngại sóng gió. Bởi lẽ khúc biển khơi nguy hiểm nhất tại cửa Thần Phù đã được đất phù sa bồi đắp đưa vào đất liền rồi.

Cái cửa sông đầy nguy hiểm bão tố ấy là do núi non nằm ở biển khơi. Dẫy núi được tạo thành đó là những núi : Bầu tiền ( làng Văn Đức ) , núi Nhân Sơn, núi Đầu trâu, núi Sen, núi An tiêm ( làng Nhân Sơn ) núi Chóp Chài, Núi Quan Lợn, núi Chính Đại, núi Miễu ( làng Chính Đại ) , núi Tân Tòng ( làng Tân Chính, Hoài Lai).
Khúc biển nguy hiểm trước kia, nay nằm yên tĩnh, ngạo nghễ tại cửa sông Chính Đại và từ chính Đại tới mấy làng lân cận vỏn vẻn mấy chục cây số vuông thôi.
Có những ghi nhận cửa Thần Phù trước kia là cửa sông Chính Đại, điều đó không sai. Cũng có những ghi nhận Yên Mô là của Thần Phù. Từ Yên Mô tới cửa sông Chính đại chỉ có mấy cây số thôi. Với khoảng cách như thế trên biển khơi, đâu có gì là xa xôi cho lắm.

Thực ra Sông Hồng và sông Đáy là hai con sông đã đưa nước phù sa chảy ra cửa sông như tôi đã nói trên, đưa nước phù sa trôi về phía Nam, bồi đắp và biến bể khơi thụt lùi vào đất liền sau nhiều thế kỷ cho tới nay.

Cửa thần phù khi xưa ăn từ cửa sông Đáy( phía bắc ), tới cửa Sung ngay phía trong hòn Nẹ (phía Nam ). Người ta ít nói tới con sông này, mà thường hay nhắc tới con sông Càn là một nhánh nối tiếp cửa sông Chính Đại, khi biển khơi hãy còn nằm ở vị trí này. Một nhánh sông Chính Đại khác chảy qua làng Hảo Nho, rồi qua Yên mô, tới Cầu Yên để nhập vào sông Đáy.

Khi Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ được sai tới để khai khẩn vùng đất bồi này, thì cửa Thần Phù với những bão táp, vách đá nguy hiểm qua nhiều thế kỷ đã làm chìm nhiều thuyền bè và giết nhiều nhân mạng, tới thế kỳ này chỉ là một vùng đất bồi cần phải đươc khai quang, thiết kế, chiêu dân lập ấp.
Theo kỷ yếu Phát Diệm 1891-1991 của Linh Muc Trần Phúc Long, phát hành nhân 100 năm kỷ niệm giáo Phận Phát Diệm có nhắc tới cuốn sách của ông Beren, người Pháp trong thời kỳ đó có nói đến việc triều Nguyễn. Trong đó Nguyễn Ánh mộ dân xây một thành lũy rất lớn tại Huế, với số nhân công là tám chục ngàn người. Số dân bị trưng dụng nhiều như thế làm giảm mức sản xuất lúa gạo trong nhiều năm, sau đó là nạn đói năm Ất Dậu

(1825). Tựa trên câu chuyện này, chúng ta có thể suy luận việc nhà vua đã chấp thuận sai ông Nguyễn Công Trứ tới khai khẩn phần đất bồi tại Cửa Thần Phù để giải quyết việc cung cấp lúa gạo cho dân thoát khỏi cảnh thiếu thốn thực phẩm.

Doanh Điền Sứ Nguyễn công Trứ năm 1828 tới lập huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Huyện này gồm bảy tổng: Tân Cơ, Tân An, Tân Định, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong và Tân bồi. Tới Năm 1829 ông lập huyện Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình. Huyện Kim Sơn gồm bảy tổng: Chất Thành, Hồi Thuần. Quy Hậu, Hướng Đạo, Tự Tân, Tuy Lộc và Lai Thành. Nguyễn Công Trứ cũng lập hai huyện nữa ở Nam Định, đó là huyện Nam Trực và huyện Giao Thủy.

Công việc chiêu dân lập ấy thực phức tạp và khó khăn trong buổi đầu, vì trong vùng đất bồi hoàn toàn chỉ là một vùng xình lầy nước đọng, muỗi bọ đầy đàn cũng giống như vùng đồng bằng Tháp Mười hiện nay. Muỗi có thể cắn làm chết trâu bò. Phía gần biển là những ao đầm chỉ có sú với vẹt có thể mọc và chịu đựng được nước mặn. Để cho nước đỡ mặn, phía trong những hàng vẹt rộng bao la, người ta phải trồng cói một thời gian thật lâu cho nước đỡ mặn để sau này có thể cấy lúa. Cũng vì thế việc trồng cói vừa dùng để cho đất giã mặn, vừa tạo cuộc sống kinh tế cho người dân trong vùng. Chiếu Phát Diệm nổi tiếng trong nước về mỹ thuật và phẩm lượng. Vào cuối thế kỷ mười chín sang đầu thế kỷ hai mươi, sản phẩm cói đã được xuất cảng sang các nước Au châu và được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

Để đinh cư dân chúng trong vùng Nguyễn Công Trứ đã phải qui tụ dân, vượt đất đắp nền nhà, chỗ trũng mới đào đất dùng làm ao. Khai mương để đắp đường, tạo nên sự giao thông thủy bộ, làm cầu tre hay cầu nổi đi qua sông. Ông còn cho đào những sông lạch nhỏ vừa để dẫn thủy nhập điền, vừa dùng những ghe thuyền để di chuyển và chuyên chở thóc gạo. Con sông Ân ở gần Dưỡng Điềm là một trong những con sông được đào rất công trình. Những con rạch có thể đi thuyền được từ Lai Thành qua Bình Sa ra tới cầu Trì Chính, Phát Diệm. Những con rạch từ Văn Hải ra tới Tuy Lai, Cồn Thoi.

Công trình của Nguyễn Công Trứ thật lớn đối với dân cư trong vùng này. Một đền thờ được xây ngay ở thôn Lạc Thiện, huyện Kim Sơn vào năm 1856, để ghi ơn người đứng chiêu dân lập ấp, ngay khi ông Nguyễn Công Trứ hãy còn sống.

Trong những năm trước đó như tôi đã nói trên, vì mất mùa và đói kém là lý do khiến nhiều người đã tới đây theo kế hoạch doanh điền.
Trong vùng này chúng ta cũng thấy có rất nhiều người công giáo tụ tập thành làng, xây cất nhiều thánh đường. Có giả thuyết cho rằng vì việc cấm đạo, sau nhiều năm trốn tránh tại những nơi khác, nhất là trốn tránh nơi những vùng núi Ninh Bình, những dẫy núi mở đầu cho dẫy Trường Sơn chạy dọc xuống miền Trung Việt như vùng núi Bạch Bát, núi Hảo Nho, núi Chính Đại .. Khi được chiêu mộ về để khai khẩn đất đai, người dân vừa được bảo đảm cơm no áo ấm, vừa ít bị dòm ngó vì do việc cấm đạo. Cũng chính lý do này mà rất nhiều người đã tới đây, đóng góp nhân lực lớn lao cho việc khai hoang vùng đất bồi thành những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những nơi đông dân cư trù phú vào hậu bán thể kỷ mười chín và suốt thế kỷ hai mươi.
Dân trong vùng đã ghi ơn Nguyễn Công Trứ, nên chuyền miệng từ đời nọ tới đời kia:


Kim Sơn Huyện ta,
Bởi ai sáng lập,
Dựng thành dân ấp,
Trước tự thuở nào
Tham tri bộ hình
Xung dinh điền sứ
Tướng Nguyễn Công Trứ,
Tân bồi bãi biển.

Cũng lòng biết ơn sâu xa đó nên :
Truy tư mới lập đền thờ. Ghi công đức để đến giờ làm gương.

Rất nhiều người vào cỡ tuổi chúng tôi vào những thập niên năm mươi, khi học văn chương đã say sưa ghi nhận những bài thơ thật quí giá ông đã để lại cho giới trẻ với cung cách : Chí làm trai. Học để hiểu văn chương, mặc dầu cũng được nhắc tới tài thao lược của ông, việc khẩn hoang đất đai của ông. Thế mà những khi nhìn lại một công trình thật lớn lao đó, sống ngay trên những phần đất khẩn hoang này, đi qua đền thờ của ông, kẻ hậu lai không nhận được chân giá trị thật lớn lao về tài kinh bang tế thế của bậc vĩ nhân đã mang lại cảnh sống trù phú cho dân làng, tổng huyện của mình.
Vùng đất bồi ở vùng Kim sơn do cụ Nguyễn Công Trứ khai khẩn được cụ Trần Lục tiếp tay cho tới khi hoàn thành.

Khi nói tới cụ Trần Lụ , người ta thường nhắc tới công trình kiến trúc giáo khu nhà thờ Phát Diệm hơn là những công trình khai khẩn đất đai. Điều này cũng dễ hiểu, vì công trình kiến trúc tại đây là một công trình quy tụ một nền kiến trúc Việt Nam với những đặc trưng về đồ gốm, khảm xà cừ trên những cây cột lim trong thánh đường, việc khắc trên đá để trang điểm cho thánh đường. Những công trình kiến trúc cổ điển tả hình ảnh sinh hoạt của giáo hội, nhưng cái hình ảnh đó đã biến chuyển sang lối kiến trúc Á Châu diễn tả nhiều cảnh sinh hoạt tôn giáo.Thế nhưng nếu nói tới việc khẩn hoang thì cụ Sáu cũng mất rất nhiều công trình trong việc đào thêm sông rạch, khai khẩn thêm đất đai của những vùng còn sót lại của kế hoạch dinh điền của cụ Nguyễn Công Trứ để lại cho hoàn thành phần cuối của huyện Kim Sơn, nhất là vùng Cồn Thoi.

Một nhân vật nữa ít được ai nói tới trong cùng thời với cụ Trần Lục mà theo sự công bằng tôi phải nói lên. Đó là cụ Trần Văn Kỳ, tức cố chánh và cụ Trần văn Sao, tức cố phó là hai vị đã đứng ra chiêu dân lập ấp ở phần cuối của cửa sông Thần phù từ làng Chính Đại trở ra tới Mông An Trí cú, Văn Hải và Cồn Thoi.

Cụ Trần Văn Kỳ ( 1820-1897 ) là người Từ làng Chính Đại, đó là người chúng tôi thường gọi là cố chánh chiêu mộ dân làng để lập nên làng Tòng Chính, rồi sau đó là Tân Chính là hai làng gốc từ làng Chính Đại mà ra. Cái tên Điền Hộ mà nhiều người biết tên này hơn là tên làng Tòng Chính. Tên Điền hộ dùng cho giáo khu nằm trong vùng làng Tòng Chính, làng Tân Chính.

Cụ Trần Văn Kỳ đã có công rất nhiều trong việc chiêu mộ dân làng để khẩn hoang trên bốn ngàn mẫu ruộng phía nam cửa Thần phù. Số ruộng dành cho dân làng: những trai tráng đến tuổi mười tám, người ta thường gọi là những người có bổn phận gánh vác việc làng, đều được nhận lãnh một số ruộng, gọi là ruộng công điền, Những người này xử dụng phần đất của mình để cấy lúa, sinh lợi tức cho gia đình. Riêng con cháu của cụ, không được nhận lãnh đất riêng cho mình, mà tới khi khôn lớn cũng được lãnh những phần đất như những người trong dân làng. Cụ sợ con cháu sau này sinh tật cờ bạc mà bán ruộng đi. Vả lại cụ cũng coi dân làng như con cháu, nên đối xử đồng đều.

Để có thể chứng minh sự liên hệ giữa cụ Kỳ và cụ Sáu, mong quí đọc giả có thể dễ hiểu hơn. Vì cụ Sáu sinh ra tại làng Mỹ Quan, ngay bên cạnh chiến lũy Ba Đình, kế cận ngay đó ra về cửa Thần Phù chỉ có hai ba cây số là làng Chính Đại, nơi chôn nhau cắt rốn của cụ Kỳ. Cụ Kỳ là người mới theo đạo, nhưng cụ thật tốt với giáo phận. Trong những năm cấm đạo, hai cụ đều bị bắt và giam cầm cùng với nhau, theo gia phả của dòng họ Trần. Vì cũng là bạn bè với nhau, khi cụ Trần Lục xây nhà thờ Phát Diệm, cụ cố Trần văn Kỳ đã dâng cho giáo phận hai ngàn mẫu ruộng. Tới khi giáo phận Phát Diệm chia vùng để có giáo phận Thanh Hóa, thì số ruộng này được chuyển về giáo phận Thanh Hóa, ngoại trừ vùng Cồn Thoi mà cụ Kỳ đã dâng cúng 400 mẫu ruộng để lập giáo xứ Văn Hải, nay thuộc sở hữu của giáo phận Phát Diệm. Cũng chính nhờ số ruộng này mà dân làng và những người cấy ruộng chia của giáo phận, họ có đủ lúa gạo sống qua nạn đói năm Ất Dậu (1945).
Hơn thế nữa, trong thời gian nạn đói lan tràn ở miền Bắc, rất nhiều người đã đi tìm về vùng này kiếm ăn. Dân làng và nhà thờ đã tổ chức phát đồ ăn cho những người tới đây. Những người này vì đói lâu ngày, khi tới đây đã chết lả. Mỗi ngày làng phải đưaưa cả xe bò chở xác chết vào chôn trong nghĩa trang. Những xác chết được bó trong mỗi chiếc chiếu trước khi đi chôn.

Để ghi ơn tổ tiên và đáp lễ với dân làng Chính Đại, cụ Kỳ đã tặng cho làng Chính Đại 30 mẫu đất gọi là đất hương hỏa. Riêng nhà thờ Điền Hộ cũng được dâng 30 mẫu để yểm trợ tài chánh và cho những sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ.

Đó là những dự án lớn chúng ta có thể kể ra trong vùng cửa Thần Phù. Tuy thế với khả năng bồi đắp của đất phù sa, các dân làng ở lân cận như vùng Liên Quy, ngay gần núi An Tiêm, dân làng cũng trồng cói để rồi sau ít năm có thể cấy lúa giúp cho việc sản xuất lúa gạo.

Để có cái nhìn tổng quát lịch sử và địa lý về cửa Thần Phù, chúng ta có thể thấy, phía biển tính từ hai bên vùng đất bồi cửa sông Đáy ( phía Bắc ) và tận cùng ở cửa Sung có hòn Nẹ gần nằm phía nam. Để định vị trí những vùng nguy hiểm, núi non nằm ngoài biển gây nhiều thiệt hại cho thuyền bè, chúng tôi đề nghị là vùng ngay cửa sông Chính Đại, được nối tiếp với con sông Càn. Hai bên có những dẫy núi nguy hiểm như : núi Bầu Tiền, núi Đầu Trâu, núi An Tiêm, núi Nhân Sơn, Núi Sen, núi Chóp Chài, núi Quan Lợn, núi Chính Đại, núi Miễu, núi Tân Tòng. Vùng núi này bao quanh làng Chính Đại, làng Tòng Chính, làng Tân Chính, làng Lai Thành, làng Văn Đức, làng Nhân Sơn, làng Thịnh Phú.

Những vùng đất này đã nằm sâu trong đất liền qua nhiều thế kỷ phải kể đến các huyện Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình, huyện Nam Trực và Giao Thủy, thuộc tỉnh Nam Định, Huyện Kim Sơn thuộc tỉnh Nimh Bình, Huyện Nga Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Trong hai thế kỷ, công việc khẩn hoang vùng cửa Thần Phù đã mang lại cho dân trong vùng một đời sống trù phú và ổn định. Tự vùng đất mới này, cũng tạo nên những khuôn mặt đáng kể trong công việc kiến trúc, văn hóa, binh nghiệp và tham chánh đã mang lại niềm hãnh diện cho những người dân sống trong vùng.

Tác giá: Trần Khánh Liễm

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây