Bối Khê, cội nguồn của dòng Quận công Tổ Lê Phúc An
Làng Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ) cách thủ đô Hà Nội chừng 25km về phía Tây Nam. Nơi đây hiện còn nhiều di tích cổ xưa; trong đó có hai nhà thờ họ Lê nằm tĩnh tại dưới những tán cây cổ thụ rêu phong. Đây là dòng họ nổi tiếng, được mệnh danh là dòng “Thi thư thế trạch - võ văn thế thất”.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên tai địch họa, người họ Lê Bối Khê dòng Quận công Lê Phúc An luôn quyết tâm gìn giữ, bảo toàn những di bảo của tổ tiên để lại cho đến hôm nay gần như nguyên vẹn. Những di bảo này là những sắc phong từ triều Hậu Lê, Lê-Trịnh, Trịnh - Nguyễn, triều Nguyễn. Ông Lê Văn Tập cho biết rằng, trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, trong những lần sơ tán ngặt nghèo nhất, dòng họ của Ông sẵn sàng bỏ lại nhà cửa, của cải nhưng luôn mang theo, giữ bên mình những sắc phong có từ hơn 200 năm trước. Bởi lẽ đó là phần Hồn của tộc Họ Lê Phúc An của Ông có hơn 7 đời đỗ đạt khoa bảng, làm quan. Một dòng họ gắn liền với lịch sử đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà dòng họ Ông đã tâm huyết gần 100 năm viết gia phả, bắt đầu từ Hoài Viễn tướng quân điện tiền Đô chỉ huy sứ tư Đô chỉ huy sứ Viên triệu hầu Lê Đình Trân khởi thảo phần “Thanh Oai Bối Khê Lê gia phả ký cựu biên tự” năm Nhâm Tuất, tức năm Cảnh Hưng 3 (1742); đến năm Nhâm Tý, tức năm Chiêu Thống 3 (1789), tức Kỷ Hợi Thịnh khoa nhị giáp Tiến sỹ xuất thân triều thụy đại phu Hàn lâm viện thị độc Sơn Nam Hiệp trấn Ứng Khê hầu Lê Huy Trâm hiệu đính và biên chép tiếp mục “Thanh Oai Lê gia phả tiền biên tự”; năm Đinh Dậu, tức năm Thành Thái 9, Hàn lâm Lê Tân viết tiếp phần “Thanh Oai Bối Khê Lê tộc hội mộ độc biên sách dẫn” thì cuốn Lê gia phả ký mới hoàn thiện, chỉn chu và truyền đến ngày nay.
Đây là một cuốn gia phả khá đồ sộ, mang tính hàn lâm bác học, được chia thành các phần rất rõ ràng. Cuốn gia phả này được phó bảng Bùi Kỷ và nhà văn kiêm lương y Nguyễn Tử Siêu đánh giá rất cao, gồm 181 trang chữ Hán, chữ viết chân phương, văn phong bay bổng. Mỗi phần trong gia phả có thể coi là một sự kiện của dòng họ viết về các cụ hiển danh, từng giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình phong kiến Lê - Trịnh xưa.
Nội dung cuốn gia phả họ Lê bao gồm các phần (theo tác giả Đặng Bằng, Ban quản lý di tích Hà Tây):
1. Bối Khê Lê gia thời thiết chúc văn
Đây là tập hợp các bài văn tế, văn khấn như “Dư tịch chúc văn”, “Nguyên Đán chúc văn”, “Chính kỵ nhật chúc văn”, “Thời tiết chúc văn”, “Thường tân chúc văn”, “Y gia sóc vọng dược thánh chúc văn”.
2. Thanh Khê Lê gia phả ký phàm lệ
Phần này qui định về việc truyền bác gia phả trong dòng họ cùng cách thức bảo quản, biên chép trong nội tộc.
3. Thanh Khê Lê gia thế thứ mục lục
Ghi lại thế đại, tên tuổi của từng thành viên trong họ.
4. Thanh Oai Bối Khê thế hệ chi đồ
Thực tế, đây là phả đồ vẽ lại chi tiết sự phân chia thế thứ, chi ngành của dòng họ.
5. Lê gia tổ mộ phúc địa đồ
Phần này vẽ lại sơ đồ, địa hình, thế đất, mồ mả của tổ tiên hiển danh dưới cái nhìn của địa lý.
6. Thanh Oai Bối Khê Lê gia phả ký hội mộ sách tiền biên.
Tiểu sử từ cụ thuỷ tổ đến đời thứ 04, đồng thời giải thích và chứng minh dòng họ Lê ở Bối Khê gốc gác từ Thanh Hóa thiên di ra lập nghiệp tại bản quán bây giờ.
7. Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thái bảo kiêm thị nội tư lễ giám Tổng thái giám thượng trụ quốc thống tường Quận công gia phong Anh Mẫn Minh Trí Trung Đẳng Phúc Thần Lê công.
Diễn giải thân thế, sự nghiệp của Quận công Lê Tiến Quí, người trải thờ 5 đời vua, được phong đủ 5 tước Công - Hầu - Bá - Tử - Nam và các đạo sắc phong do triều đình ban tặng.
8. Chúc văn
Văn tế Quận công Lê Tiến Quý.
9. Quan viên phụ bản phụ Hiệu sinh tự Đạo chính Lê phủ quân
Tiểu sử và sự nghiệp văn chương của cụ Đạo chính Lê Tiến Hiền.
10. Vũ huân tướng quân điện tiền cẩm y vệ đô chỉ huy xứ đồng tri tả hiệu điểm uy lộc hầu Lê công.
Thân thế và sự nghiệp của cụ Lê Đình Sỹ, người trấn giữ thương cảng phố Hiến sầm uất ngày xưa và các đạo sắc phong khi đương chức.
11. Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân phụng sai đề lĩnh tứ thành quân vụ tham đốc thần vũ tứ vệ sự thượng trụ quốc trấn quận công gia phong Trung cần hùng nghị trung đẳng phúc thần Lê công.
Tiểu sử và sự nghiệp của cụ Quận công Lê Đình Thọ và các đạo sắc văn khi đương chức và sau khi mất, triều đình chuẩn cho dân bản quán phải lập miếu phụng thờ.
12. Tiên khảo trấn quận công phúc thần húy nhật tự dân tế văn cung lục như tả.
Đây là bài văn tế húy kỵ của Trung đẳng phúc thần Lê Đình Thọ.
13. Thanh Oai Bối Khê Lê gia phả ký cựu biên tự.
Đây là bài khảo cứu tổng lược rất có giá trị về nguồn gốc họ Lê từ thời Hồng Bàng tới các triều đại nhà Lê và họ Lê ở Bối Khê đến thời điểm cụ đang sống - tức năm 1742.
14. Anh liệt tướng quân Đô chỉ huy xứ tư Đô chỉ huy kiêm sự phong tặng đô tổng binh xứ viên triệu hầu Lê công.
Thân thế và sự nghiệp của cụ tổng binh Lê Đình Trân và những bước thăng trầm trong cuộc đời quan nghiệp.
15. Quan viên phụ Quí Dậu khoa hương cống mậu lâm tá lang Hộ bộ viên ngoại lang đình quản hạnh nghĩa khoa thượng tuyển tặng hiển cung đại phu tuyên quang đẳng xứ tán trị thừa.
Biên chép tiểu sử và sự nghiệp của cụ Tham nghị Lê Huy Cảnh, người nổi tiếng là văn hay chữ tốt và nghĩa hạnh lúc bấy giờ cùng các đạo sắc văn.
16. Thanh Oai Lê gia phả tiền biên tự.
Đây là bài tựa mở đầu cho phần tục biên cuốn “Lê gia phả ký”. Bài này, cụ Hoàng giáp Lê Huy Trâm khảo cứu khá thận trọng về lai lịch họ Lê và dòng họ Lê ở Bối Khê.
17. Truy thuật tiên đức thi thập nhị tụng.
Phần này là 12 bài thơ tụng đức tổ tiên của hai anh em Hoàng Giáp Lê Huy Trâm và Hương cống Lê Huy Thân xướng họa trong lúc đi ở ẩn. 12 bài thơ gồm:
- Tiên trấn Quận công: Đình nguyên công xướng - Hồng lô công họa;
- Tiên Quận phu nhân Trang thị: Đình nguyên công xướng - Hồng lô công họa;
- Tiên Viên triệu hầu: Đình nguyên công xướng - Hồng lô công họa;
- Tiên tổ tỷ chính phu nhân Ngô thị: Đình nguyên công xướng - Hồng lô công họa;
- Tiên tham nghị phong công: Đình nguyên công xướng - Hồng lô công họa;
- Tiên tỷ tự phu nhân Nguyễn thị: Đình nguyên công xướng - Hồng lô công họa.
18. Tứ Kỷ Hội thịnh khoa Đình nguyên nhị giáp Tiến sỹ xuất thân Triều thụy đại phu Hàn lâm viện thị độc Kiêm sai tri lễ phiên lĩnh Sơn Nam hiệp trấn ứng khê hầu tự Ứng Hiên Lê công.
Ghi lại chi tiết thân thế sự nghiệp của Hoàng giáp Lê Huy Trâm – nhà khoa bảng, nhà thơ, một vị quan thanh khiết.
19. Giáp Ngọ khoa hương cống khâm thụ Hồng lô tự tự ban tự Chu Hàn biệt hiệu Ngộ Tế Thanh Tiết tiên sinh Lê phủ quân.
Ghi lại chi tiết thân thế sự nghiệp của Hương cống Lê Huy Thân - một cao sỹ nổi tiếng thanh liêm chính trực thời bấy giờ, học trò theo học và đỗ đạt rất đông như Tiến sỹ Hà Tông Quyền, Đốc học Nguyễn Uông.
20. Tú lâm cục ấm sinh Nam Khê cư sỹ hiệu Mai Hiên Huệ Trực Lê phủ quân.
Tiểu sử của cụ Ấm sinh Lê Huy Ái, người đã để lại cho dòng họ 04 bài thơ tứ tuyệt: Ngư, tiều, canh, mục.
21. Mậu Ngọ Đinh Mão nhị khoa Tú tài hiệu Thúc Tử tự Văn Nhã Lê phủ quân.
Tiểu sử và sự nghiệp của cụ Tú tài kép Lễ Huy Định, người nổi tiếng khí khái trong dòng họ.
22. Thanh Oai Bối Khê Lê tộc hội mộ độc biên sách dẫn.
Đây là bài dẫn giải tổng lược về lai lịch, dòng giống họ Lê ở Bối Khê do Hàn lâm Lê Tân - người sau này ra Hà Nội viết cho tờ “Đăng cổ minh đàm” phụng soạn để biên chép tiếp vào cuốn gia phả này.
23. Bản ấp khoa bảng liệt quý tiên sinh.
Ghi lại những người đỗ đại khoa, trung khoa và tiểu khoa người làng Bối Khê.
Đại khoa gồm có:
- Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ Đệ tam danh Nguyễn Trực;
- Tam giáp Tiến sỹ Nguyễn Đỗng;
- Nhị giáp Tiến sỹ Hoàng Bá Dương;
- Đình nguyên nhị giáp Tiến sỹ xuất thân Lê Huy Trâm.
Trung khoa gồm có:
- Nguyễn Thời Trung nhậm chí Quốc tử giám tế tửu;
- Canh Ngọ khoa nhất cử trúng hương cống đệ nhất danh Lê Tôn Dận;
- Quí Dậu khoa Hương cống điện thí hạnh thí sư biểu khoa trúng cách ấm tặng tham nghị Lê Huy Cảnh;
- Giáp Ngọ Hương cống hội thí tam trường sỹ chi Hồng lô tự tự ban Lê Huy Thân;
- Hương cống tham nghị Nguyễn Tông Bồi.
Tiểu khoa gồm có:
- Lê Tiến Hiền tiên khai khoa phát giáp Bối Khê Lê tộc;
- Tề Đăng Khuy;
- Lê Tăng;
- Lê Huy Tấn;
- Nhị khoa tú tài Lê Tân Mai.
Thật đáng tự hào về Họ Lê Bối Khê, dòng Lê Phúc An thuộc Hoàng tộc vua Lê Thái tổ Lê Lợi.
Nho Lê Văn