Đặc điểm phả tộc và bia, mộ của tộc Lê Lệ Sơn
- Tộc Lê làng Lệ Sơn có bề dày lịch sử gần 550 năm kể từ khi Vua Lê Thánh Tông lập đạo thừa tuyên Quảng Nam sau khi đánh tan Chiêm Thành năm 1471. Sự hình thành và phát triển của đạo thừa tuyên Quảng Nam gắn với sự hình thành các tộc Lê của Quảng Nam Đà Nẵng từ xưa đến nay; trong đó có tộc Lê Lệ Sơn mà Người có công khai phá, khai canh, lập làng, truyền hậu thế, phát triển tộc họ là tiền hiền Lê Đạo (Lê Đại Độ) cùng hậu duệ của Ngài thuộc hoàng tộc Nhà Hậu Lê.
- Làng Lệ Sơn (có thời điểm gọi là xã Lệ Sơn) có từ rất lâu đời gắn liền với quá trình mở mang đất nước về hướng Nam của dân tộc ta qua các thời kỳ tiền Lê, Lý, Trần và hậu Lê và các thời kỳ Chúa Nguyễn, triều Nguyễn, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và tồn tại tên làng cho đến ngày nay. Tên làng Lệ Sơn thuộc tổng Lệ Sơn, chính thức được ghi trong Ô châu cận lục của Sung Nham Hầu Tiến Sĩ Dương Văn An năm 1553.
- Tộc Lê Lệ Sơn được tiếp nối từ khi tiền hiền thế tổ thứ nhất Lê Đạo truyền lại cho hậu hiền và đến năm Duy Tân lục niên 1912, tộc Lê Lệ Sơn đã xây dựng hoàn chỉnh gia phả của tộc là bản Lê Văn tộc phổ chí làm cơ sở cho việc xây dựng dẩn hệ của tộc vào năm 2010 với sự tham gia đầy đủ và thống nhất cao của các thành viên Hội đồng gia tộc dưới sự chủ trì của Trưởng tộc lúc bấy giờ.
- Từ thế tổ thứ nhất đến nay là 22-23 đời. Phả đồ được chia thành 4 phái (Nhất, Nhì, Ba, Tư) từ đời thứ chín. Bản dẫn hệ năm 2010 được tộc Lê Lệ Sơn cho thấy tính thống nhất, rõ ràng, mạch lạc. Tuy nhiên việc ghi chép ở các đời có sự chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh (ví dụ ngày tạ thế không được đầy đủ, có đời có ghi, có đời không ghi).
Ngoại trừ phần mộ Ngài tiền hiền hiện nay được an trí tại làng Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, Hà Tây và hiện nay, trong nghĩa trang tộc Lê Lệ Sơn còn một phần đất trống chưa xây mộ Ngài; còn lại từ đời thứ chín (bao gồm 4 phái) ngược về đời thứ hai (Ngài Lê Văn Cốc) thì đều có mộ phần đầy đủ của cả Ông và Bà.
* Nhận xét chung:
- Hầu hết các mộ Tổ từ xưa được an táng tại Cồn Mồ-Lệ Sơn và sau này được quy tập, tôn tạo tại Nghĩa trang Lệ Sơn vào năm 1998.
- Các mộ tổ hiện có ở Nghĩa trang Lê tộc Lệ Sơn là đầy đủ từ đời thứ 2 đến đời thứ 9 nhưng chưa làm bia cho từng ngôi mộ tổ.
- Căn cứ Lê Văn tộc phổ chí (Bản dẫn hệ năm 2010); căn cứ bản Hán Nôm gốc gia phả tộc Lê Lệ Sơn được xây dựng, lưu lại đời vua Duy Tân năm thứ 6, 1912 thì tại Cồn Nhà Lệ có hai mộ phần gồm mộ Ngài Lê Công Đường (Đời 8) và mộ Ngài Lê Hữu Đệ (Đời 9); Căn cứ hiện trạng mộ phần các thế tổ hiện nay thì mộ thế tổ thứ ba là Ngài Lê Văn Minh hiện nằm ngay vị trí từ xưa đến nay thuộc khuôn viên chùa Phước Thiện thôn Lệ Sơn ngày nay.
Theo bản dẫn hệ 2010 và bản gốc gia phả tộc dịch năm 2017 thì mộ tổ đời thứ 8 là Ngài Lê Công Đường được táng tại Cồn Nhà Lệ. Khi quy tập về Nghĩa trang tộc Lê Lệ Sơn thì theo bản dẫn hệ 2010 cho biết là mộ Ngài được ‘’thỉnh hồn, lập vị ghi danh’’. Điều này có lẽ mộ Ngài vẫn nguyên tại chỗ cũ từ xưa đến nay. Tuy nhiên, ngôi mộ Ngài bị người của Lê Hữu đục bia (ở giữa) vào năm 1957 với dòng chữ chính trong bia là : ‘’Lệ phong tiền hiền Lê quý công húy Quát Đạt’’, dịch nghĩa Suy tôn Ngài tiền hiền họ Lê tên Quát Đạt mộ phần tại Cồn Nhà Lệ. Do tộc Lê Hữu thuộc tộc Lê Lệ Sơn tách ra nên việc gọi mộ Ngài tổ này là tiền hiền là không đúng và tên Quát Đạt là chủ ý cá nhân của bà con Lê Hữu (ngay trong bản chép tay gia phả của Lê Hữu Lệ Sơn hiện đang giữ ghi chép từ đời thứ 11 là Ngài Lê Hữu Khánh không có đề cập việc này). Đây chính là vấn đề ‘’tồn tại’’ của tộc họ ta trong suốt hơn 300 năm qua cần quan tâm giải quyết.
Về mặt tâm linh, trong những năm qua, bà con Lê Hữu đã chăm nom, hương khói và tôn tạo gần đây (năm 2010) cho mộ phần Ngài nhưng vẫn không rõ danh tính của Ngài nằm dưới ngôi mộ đó. Để làm rõ về mộ phần các mộ tổ đang nằm trên đất quê hương, thời gian gần đây, chúng tôi đã gặp các bậc cao niên trong tộc Lê Văn (bác Lê Văn Liệu, Lê Văn Phong), kết hợp với các vị đứng đầu của tộc Lê Hữu Lệ Sơn, Ái Nghĩa đi khảo sát, thực địa và chúng tôi đối chiếu với tư liệu gia phả của tộc Lê Lệ Sơn thì chúng tôi nhận định rằng ngôi mộ đó của Ngài Lê Công Đường (đời 8). Hiện nay, Lê Hữu Lệ Sơn cũng đồng ý theo nhận định này.
Bên cạnh đó, hiện nay tại gần vị trí mộ Ngài Lê Công Đường chếch về dưới bên trái 10 mét còn có một ngôi mộ nữa mà từ lâu nay phía Lê Hữu cho rằng là của người họ Lê Hữu nhưng không rõ danh tánh nên lập bia là Lê Hữu tộc vào năm 2010. Căn cứ bản gốc Lê Văn tộc phổ chí viết năm 2012 được dịch lại năm 2017 thì cho biết Ngài Lê Hữu Đệ được táng tại cồn Nhà Lệ - ông Kịp xứ. Phải chăng đây chính là mộ Ngài Lê Hữu Đệ? Trong một thời gian dài, bà con hai bên họ Lê truyền miệng nhau mộ của Ngài Lê Công Đường là Ngài Lê Hữu Đệ. Hiện trong nghĩa trang Lê tộc Lệ Sơn cũng có ngôi mộ của Ngài Lê Hữu Đệ nhưng cũng có thể lập lại như mộ Ngài Lê Công Đường là ‘’thỉnh hồn, lập vị, ghi danh’’. Chúng tôi nghĩ rằng, tộc họ ta cần xem xét lập tên bia mộ chung cho cả tộc và cho các trường hợp riêng biệt này khi Lê Hữu nối kết về tộc Lê ta .
TS. Lê Văn Nho
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn