Hòa Vang, Đất và Người

Thứ bảy - 12/08/2017 08:55

HOÀ VANG ĐẤT NƯỚC-CON NGƯỜI (Nguồn UBND huyện Hòa Vang)

HOÀ VANG ĐẤT NƯỚC-CON NGƯỜI

 

Huyện Hoà Vang xưa là đất Chiêm Thành, đến giữa thế kỷ thứ XIV, vương quốc Chiêm Thành tan rã và nhập vào Đại Việt. Đến đời nhà Lê, Hoà Vang đã là đất huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hoá.

Năm 1602, Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên đặt ra Quảng Nam dinh, 3 năm sau vào năm 1605 thăng huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hoá thành phủ Điện Bàn cho thuộc vào dinh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn lúc này gồm 5 huyện: Tân Phúc, Yên Nông, Hoà Vinh (sau là Hoà Vang), Diên Khánh, Phú Chân (sau là Duy Xuyên). Sách Đại Nam nhất thống chí ghi đầu bản triều mới đặt tên hiện nay [1][1]. Theo đó, huyện Hoà Vang xuất hiện vào năm 1605 – đầu bản triều – tức đầu đời các chúa Nguyễn.

Đến thế kỷ thứ XVIII, xứ Quảng Nam gồm hai phủ: Điện bàn và Thăng Hoa. Phủ Điện Bàn gồm huyện Hoà Vang và châu Diên Khánh. Lúc này phủ Điện Bàn có 5 huyện trong đó có huyện Hoà Vang. Huyện Hoà Vang cũng trong thời gian này có 3 tổng: Lệ Sơn, Hà Khúc và Lỗ Giáng, bao gồm có 53 xã, 4 giáp, 1 ty. Theo Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn năm 1775:

Tổng Lệ Sơn gồm 21 xã: An Phú, An Khang, An Trạch, Bồ Bản, Bích Trâm, Cây Hạm, Cẩm Hoà, Cẩm Toại, Diệm Sơn, Hương Lam, La Bông, Lệ Sơn, La Bông Tây, Phố Huyện, Phú Sơn, Thạch Bồ, Thuý Loan, Xuân Sơn, Yến Nê, Xuân An, .

Tổng Hà Khúc gồm 21 xã, 4 giáp: Hà Khúc, Hải Châu, Cẩm Sa, Phong Hồ, Giản Đông, Vân Dương, Viêm Minh (giáp), Thạc Giản, Tây An, Quán Khái Tây (giáp), Lâm An, Quá Giản, Mân Quan, Lai Nghi, Quan Nhuận, Viêm Minh, Quán Khái Đông (giáp), Bình An, Tiên Minh Tây, Nam An, Quan Minh Đông, Viêm Minh Trung (giáp), Thi An, Hoa Hồ, Liên Trì.

Tổng Lỗ Giản gồm 11 xã, 1 ty: Bách Giản, Bình Khang (Khương), Cẩm Lệ, Giáo Phường, Hoá Khuê Tây, Hoá Khuê Đông, Lỗ Giản, Minh Châu, Miếu Bông, Mỹ Thị, Quế Lâm, Tân Thuận .

Sang thế kỷ thứ XIX, phủ Điện bàn còn lại 3 huyện: Diên Khánh, Hoà Lạc, Duy Xuyên [2][2]. Theo đó, năm 1821, Hoà Lạc chính là Hoà Vang gồm 5 tổng, 1 thuộc, 144 làng xã [3][3]. Trong cuốn Hoàng Việt địa dư chí Phan Huy Chú viết lại ghi tên huyện Hoà Vinh, thuộc phủ Điện Bàn, trấn Quảng Nam. Sách còn chú thêm Trước còn gọi là Hoà Lạc. Trong Đại Nam thực lục cũng có nhắc tới tên huyện Hoà Vinh, nhưng đến năm 1875, khi sách Đại Nam nhất thống chí ra đời, người ta đã thấy có tên huyện Hoà Vang với 7 tổng, 158 xã, thôn, phường, ấp, giáp.

Năm Thành Thái thứ XI, 1899, triều đình Huế lấy phần đất miền Tây huyện Hoà Vang thành lập huyện Đại Lộc thuộc phủ Điện Bàn. Ngày đó huyện Đại Lộc bao gồm cả huyện Hiên và Đông, Tây, Nam Giang ngày nay.

Theo tạp chí Pháp Bulletin des Amis du Vieux Hue xuất bản năm 1919 cho biết đến thời vua Khải Định, huyện Hoà Vang có 7 tổng với 158 xã, thôn. Bao gồm:

 

  1. ổng Bình hái gồm 33 xã thôn: , An Khê, Bình hái, Cẩm Bắc, Cồn Dầu, Cẩm Bình, Diên Hoà, Hoà Hải, Hoá Ổ, Hoà Sơn, Hoà Vân, Hải Châu Nam, Kim Cư, Liên Trì, Liên Chiểu, Mỹ Thị, Mỹ Khê, Nam Thọ, Nại (thôn), Nại Nam, Phong Bắc, Phước Tường, Phú Tài, Phục Đáng, Quế Bắc, Quế Trung, Thanh Khê Tây, Thuận Nam, Tân Thái, Thuỷ Tú, Xuân Đáng, Xuân Dương, Xuân Thiều, Yến Bắc.

 

Tổng Thanh An gồm 19 xã: An Thái, Cẩm Nê, Cẩm Nam, Dương Sơn, Giáng Đông, Lệ Sơn, La Bông, Liêm Lạc, Mân Quan, Miếu Bông, Nhơn Thọ, Phong Nam, Phi Bình, Quá Gián, Quan Châu, Tân Hạnh, Tùng Lâm, Thạch Bồ, Yến Nam.

 

Tổng An Phước gồm 19 xã: An Châu, An Tân, Bồ Bản, Cư Nhơn, Cẩm Toại, Diên Sơn, Dương Lâm, Đông Vinh, Hoà Nhơn, Hương Lam, Khương Mỹ, La Châu, Phước Nhơn, Phước Vinh, Phú Sơn, Phú Luân, Phước Châu, Thọ Sơn, Tuý Loan,.

Tổng An Lưu gồm 15 xã: An Nông, Ba Giang, Cổ Mân, Khải Đông, Khải Tây, Kỳ La, Lỗ Giáng, Lâm An, Quế Đông, Thi An, Trà Lô, Trà Khê, Trung Lương, Tân Lưu, Xuân Nhâm.

 

Tổng Phước Tường gồm 34 xã: An Lợi, Cao Sơn, Đông Phước, Đà Sơn, Đại La, Đông Lai, Đông Bích, Giao Trì, Hoà Cầm, Hội Vực, Khánh Sơn, Khê Lâm, Lỗ Sài, Nghi An, Phước Thuận, Phong Tây, Phước Khương, Phước Hậu, Phước Hưng, Phước Mỹ, Phước Giang, Phú Hoà, Phú Hạ, Phước Hải, Phước Thái, Phước Tường, Tân Tường, Thái Lai, Thạch Nham, Trung An, Trúc Bào, Tường Loan, Vinh An, Xuân Lộc.

 

Tổng Hoà An gồm 26 xã: Đa Phước, Đông Sơn, Hoà Phú, Hưởng Phước, Hoà Mỹ, Hoà Phước, Hoà Sơn, Hoà An, Hoà Ngọc, Lộc Mỹ, Lệ Mỹ, Nghĩa Trung, Nam An, Nam Dinh, Nhơn Hoà, Phò Nam, Phước Lý, Quan Nam, Song Hoà, Trung Sơn, Trung An, Trường Định, Tân Ninh, Trung Nghĩa, Thanh Vinh, Vân Dương.

 

Tổng Giáo gồm 12 xã: Đồng Môn, Giao Phú, Giao Mỹ, Giao Hoà, Hội An, Lộc Hoà, Nghĩa Đông, Nghĩa Tây, Phước Đông, Phú Thượng, Phú Trung, Tùng Sơn.

Như thế, từ khi ra đời, huyện Hoà Vang đổi tên hai lần vào thể kỷ XIX, sau đó lại mang tên cũ đến nay.

Lỵ sở của huyện Hoà Vang, Năm Gia Long thứ nhất (1802), đóng tại xã Ái Nghĩa. Đến năm Minh Mệnh thứ V (1824) lại dời xuống xã Hoá Khuê Trung Tây. Đến năm Tự Đức thứ hai (1848) lại trở về đóng tại phía tây bắc của xã Ái Nghĩa [4][4]. Đến 1899 lại dời về xã Bình Thuận. Sau khi ký hiệp ước với thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn lại cắt một số đất của huyện Hoà Vang và huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam làm nhượng địa cho Pháp. Khi thực dân Pháp mở rộng khu nhượng địa, 5 xã thuộc tổng Bình Thái hạ, huyện Hoà Vang, dưới sức ép của Pháp, vua nhà Nguyễn là Đồng Khánh ký đạo dụ cắt cho Pháp, phải từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó (trích Khoản 1) vào ngày 03 tháng 10 năm 1888. Theo đó, các xã của huyện Hoà Vang gồm: Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương, Nại Hiên Tây cắt giao cho Pháp thành đất nhượng, nhập vào thành phố nhượng địa Đà Nẵng [5][5]. Ngày 15 tháng 01 năm 1901 lại muốn nới rộng đất nhượng địa Đà Nẵng, một lần nữa thực dân Pháp buộc ký thêm một đạo dụ lấy 8 xã: Xuân Đán, Bình Thuận, Đông Hà Khê, Thạc Gián, Thanh Khê, Yên Khê, Liên Trì, Xuân Hoà thuộc huyện Hoà Vang và lấy thêm 6 xã: Hà Khê [6][6], An Hải, Tân Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quang, Vĩnh Yên thuộc huyện Diên Phước để nới rộng thành phố nhượng địa. Các xã nhượng địa sáp nhập vào Đà Nẵng dưới quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp. Huyện Hoà Vang do quan lại Nam triều quản lý dưới sự bảo hộ của Pháp.

 

Về sau, phủ không còn gồm các huyện mà phủ và huyện đều được tổ chức thành đơn vị hành chính riêng biệt. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 bao gồm 4 phủ và 4 huyện. Bốn phủ: Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ. Bốn huyện: Hoà Vang, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước. Sau cách mạng Tháng Tám, năm 1946, đơn vị hành chính dưới tỉnh đều thống nhất gọi là huyện. Bỏ cấp tổng, các xã được bố trí, điều chỉnh ranh giới và trở thành đơn vị hành chính cuối cùng. Huyện Hoà Vang lúc bấy giờ hợp xã lần thứ nhất từ các xã cũ thành 28 xã mới, gồm: An Định, An Bắc, An Đông, An Sơn, An Tây, Bắc Sơn, Bình Hoà, Diêu Đài, Đa Hoà, Hoà Bắc, Liên An, Liên Minh, Nam An, Phước Hiệp, Phú Thọ, Quang Hiệp, Sơn Nam, Thạch Thất, Thanh Lương, Thanh Tân, Thanh Sơn, Tân Hiệp, Thái Sơn, Thuận Thành, Thanh Xuân, Trung An, Thanh Phong, Thanh Thái.

 

Đến năm 1947, theo Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954, việc hợp xã lần thứ hai được tiến hành, huyện Hoà Vang với sự ra đời 15 xã mới, gồm các xã: Hoà Ngọc, Hoà Thái, Hoà Phước, Hoà Phong, Hoà Châu, Hoà Bình, Hoà An, Hoà Thắng, Hoà Hiệp, Hoà Hải, Hoà Xuân, Hoà Thanh, Hoà Tân, Hoà Minh, Hoà Khánh.

Năm 1950 tiến hành hợp xã lần thứ ba toàn huyện Hoà Vang còn 8 xã, gồm: Hoà Liên, Hoà Khương, Hoà Nhơn, Hoà Ninh, Hoà Tiến, Hoà Mỹ, Hoà Thắng, Hoà Quý [7][7] (Không có xã Hoà Nam, Hoà Bắc).

Trong kháng chiến chống Pháp, Quảng Nam thuộc Liên khi V, Huyện Hoà Vang qua nhiều lần thay đổi, sáp nhập còn 8 xã: Hoà Quý, Hoà Thắng, Hoà Tiến, Hoà Liên, Hoà Khương, Hoà Nhơn, Hoà Nam, Hoà Bắc. (Không có xã Hoà Mỹ, Hoà Nam).

 

Ngày 12.6.1954, Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 328-QĐ/TOC chia xã Hoà Liên thành 4 xã mới: Hoà Thái, Hoà Đình, Hoà Vân, Hoà Trung. Bấy giờ huyện Hoà Vang có 11 xã, gồm: Hoà Mỹ, Hoà Thái (xã mới), Hoà Khương, Hoà Tiến, Hoà Đình (xã mới), Hoà Vân (xã mới), Hoà Quý, Hoà Ninh, Hoà Trung (xã mới), Hoà Thắng, Hoà Nhơn.

Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh: Quảng Nam và Quảng Tín, các huyện đổi thành quận. Quận Hoà Vang chia làm 5 khu: Quá Giáng, Khái Đông, Hoà Cường, Phú Hoà, Ái Nghĩa. Đến giữa năm 1958, lại tách quận Hoà Vang ra thành 2 quận: Hoà Vang và Hiếu Đức. Quận Hiếu Đức gồm các xã: Hoà Thượng, Hoà Ninh, Hoà Lạc, Hoà Hưng, Hoà Phú. Quận Hoà Vang gồm 17 xã: Hoà Phát, Hoà Hải, Hoà Đa, Hoà Hiệp, Hoà Thạnh, Hoà Thọ, Hoà Thái, Hoà Thanh, Hoà Long, Hoà Phước, Hoà Minh, Hoà Vinh, Hoà Khánh Hoà Lợi, Hoà Tân, Hoà Phụng, Hoà Châu. Tháng 7 năm 1961 lại đặt quần đảo Hoàng Sa là xã Định Hải cho thuộc quận Hoà Vang; đến tháng 10 năm 1961 họ lại sáp nhập xã Định Hải vào xã Hoà Long (Hoà Hải) thuộc quận Hoà Vang.

 

Ngày 24.6.1958, Bộ Nội vụ thời Việt Nam Cộng Hoà ra Nghị định số 335-NĐ/P6 chia tỉnh Quảng Nam thành 12 quận đặt dưới chế độ quân quản. Huyện Hoà Vang thời kỳ này gồm 20 xã, cơ quan quận lỵ đóng tại Thuận Nam thuộc xã Hoà Thuận, gồm 20 xã: Hoà Châu, Hoà Đa, Hoà Hiệp Hoà Lộc, Hoà Long, Hoà Minh, Hoà Phụng, Hoà Thái, Hoà Cường, Hoà Hải, Hoà Khánh, Hoà Lan, Hoà Lợi, Hoà Phát, Hoà Phước, Hoà Thanh, Hoà Thịnh, Hoà Vinh, Hoà Thọ, Định Hải (Hoàng Sa).

Ngày 13.7.1961, chính quyền miền Nam do Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà ký sắc lệnh số 174-NV đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc quận Hoà Vang với tên gọi mới là xã Định Hải.

Thời gian từ 1961 sang đầu năm 1962 quận lỵ Hoà Vang được dời về xã Hoà Thọ như hiện nay.

Ngày 31.7.1962 chính quyền miền Nam do Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà ký sắc lệnh số 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành 2 đơn vị hành chính là Quảng Nam và Quảng Tín. Quảng Tín từ bờ nam sông Thu Bồn trở vào, tỉnh Quảng Nam từ bờ bắc sông Thu Bồn trở ra. Hoà Vang thuộc tỉnh Quảng Nam.

Tháng 12 năm 1962, Chính quyền kháng chiến tỉnh Quảng Nam quyết định chia tỉnh Quảng Nam thành 2 đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Tín từ bờ bắc sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Đà từ bờ nam sông Thu Bồn trở ra. Hoà Vang thuộc tỉnh Quảng Đà.

Năm 1968, chính quyền cách mạng đã chia Hoà Vang thành 3 khu nhằm thích nghi với công tác chỉ đạo cuộc kháng chiến, sau lại nhập lại. Tháng 8 năm 1973 lại chia thành 3 khu cho đến ngày giải phóng 29.3.1975 thì thống nhất vào huyện cũ.

Sau 1975, Uỷ ban nhân dân Cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 119/QĐ ngày 10 tháng 4 năm 1975 hợp nhất hai tỉnh Quảng ĐàQuảng Nam thành một đơn vị hành chính với tên gọi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Ngày 11 tháng 02 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 194/HĐBT tách xã Định Hải thuộc huyện Hoà Vang nâng lên thành đơn vị cấp huyện, thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

 

Theo tư liệu năm 1975 của Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, thành phố với 258 xã, phường, thị trấn, trong đó có huyện Hoà Vang , gồm 19 xã: Hoà Tiến, Hoà Phong, Hoà Châu, Hoà Sơn, Hoà Quý, Hoà Liên, Hoà Hải, Hoà Ninh, Hoà Nhơn, Hoà Phát, Hoà Thọ, Hoà Hiệp, Hoà Khương, Hoà Phước, Hoà Khánh, Hoà Bắc, Hoà Xuân, Hoà Minh, Hoà Phú.

Theo Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hoà Vang 1928 – 1954, sau năm 1975, huyện Hoà Vang có 18 xã: Hoà Phong, Hoà Nhơn, Hoà Khương, Hoà Phú, Hoà Nam, Hoà Châu, Hoà Xuân, Hoà Tiến, Hoà Phước, Hoà Thọ, Hoà Phát, Hoà Minh, Hoà Khánh, Hoà Hiệp, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Sơn, Hoà Bắc [8][8].

Trước năm 1997, Hoà Vang là vùng đất cực bắc của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, phía bắc giáp huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi có đèo Hải Vân là ranh giới tự nhiên; phía nam giáp huyện Đại Lộc, Điện Bàn, phía tây giáp huyện Hiên, phía đông giáp thành phố Đà Nẵng và biển của huyện Hoàng Sa [9][9].

 

Tại kỳ hợp lần thứ 10, Quốc Hội khoá IX nước ta (từ 13.10.1996 đến ngày 12.11.1996) đã quyết định tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ngày 23 tháng 01 năm 1997, Chính Phủ ra Nghị định số 07/CP về việc thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng gồm 5 quận và 2 huyện, trong đó huyện Hoà Vang gồm 14 xã: Hoà Tiến, Hoà Khương, Hoà Liên, Hoà Phát, Hoà Ninh, Hoà Nhơn, Hoà Châu, Hoà Phước, Hoà Sơn, Hoà Bắc, Hoà Xuân, Hoà Thọ, Hoà Quý, Hoà Phong.

Huyện Hoà Vang được sáp nhập cùng với thành phố Đà Nẵng và huyện Hoàng Sa trở thành 7 quận huyện: Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Thanh Khê, huyện Hoà Vang, huyện Hoàng Sa trở thành thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương [10][10]

Ngày 05 tháng 8 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2005/NĐ thành lập quận Cẩm Lệ thuộc thành phố Đà Nẵng trên cơ sở các xã Hoà Thọ, Hoà Phát, Hoà Xuân thuộc huyện Hoà Vang, phường Khuê Trung thuộc quận Hải Châu. Xã Hoà Phát chia làm 2 phường: Hoà Phát và Hoà An, xã Hoà Thọ chia làm 2 phường: Hoà Thọ Đông và Hoà Thọ Tây. Như vậy đến thời điểm sau ngày 05.8.2005, huyện Hoà Vang bao gồm 11 xã: Hoà Châu, Hoà Tiến, Hoà Phước, Hoà Phong, Hoà Nhơn, Hoà Khương, Hoà Phú, Hoà Sơn, Hoà Ninh, Hoà Liên, Hoà Bắc. Cơ quan huyện vẫn còn đóng chung cùng với quận Cẩm Lệ tại thôn Bình Thái thuộc phường Hoà Thọ Đông. Đến năm 2009 cơ quan huyện dời về xã Hoà Phong.

Hiện nay huyện Hoà Vang có diện tích tự nhiên 707 km2 [11][11], trong đó 83% diện tích thuộc khu vực miền núi. Huyện có 26.000 hộ dân với 107.000 nhân khẩu, trong đó xã Hoà Phú có 86 đồng bào dân tộc Cơ tu.

Ngay từ khi mới thành lập huyện Hoà Vang đã là một huyện có đất rộng, dân đông [12][12]. Huyện Hoà Vang có 3 dân tộc chính là Kinh, Cơ tu và người Việt gốc Hoa. Nay, người Kinh chiếm 95% dân số toàn huyện.

Địa hình huyện Hoà Vang có độ nghiêng từ tây sang đông, các dòng sông theo đó đổ về sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê rồi ra sông Hàn và vũng Thùng. Hoà Vang có 3 con sông lớn: sông Thuỷ Tú bắt nguồn từ Cu Đê, chạy ngang qua làng Trường Định, sông dài 40 km; sông Cẩm Lệ bắt nguồn từ nguồn Lỗ Đông, chạy qua Tuý Loan, nhập vào nhành sông Yên đổ vào thôn An Trạch, Thạch Bồ, sông dài 12 km; sông Đào đoạn nối liền sông Thu Bồn với sông Cẩm Lệ, dài 12 km . Toàn huyện Hoà Vang ngày trước có 13 ngọn núi lớn nhỏ[13][13]. Phía bắc có núi Hải Vân, Cu Đê, Xuân Dương; phía tây bắc có núi Phò Nam, núi Giáo Lao; phía tây có núi Tượng Võng, Phú Túc, núi Đồng Xanh, núi Trung Man; phía đông có núi Ngũ Hành Sơn, núi Sơn Chà (trước 1888); hai ngọn núi cao nhất nhì huyện là Bà Nà núi Chúa cao 1.478 mét và núi Trung Man (núi Man) cao 1.408 mét [14][14]. Huyện có 25 km bờ biển thuận lợi cho đánh bắt hải sản biển.

Vùng đất Hoà Vang qua các thời kỳ lịch sử đã để lại những dấu ấn vàng son trong quá trình vươn vai phát triển của mình. Phía bắc có núi Hải Vân nơi núi quyện với mây trời, nơi có Hải Vân Quan được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan, nơi có núi cao 1.172 mét, con đèo cao 496 mét dài 20 km ngoạn mục trườn lên, lượn qua các sườn núi, choài mình về phía biển Đông làm hấp dẫn khách thanh lịch tứ phương tìm đến thưởng lãm, nhất là trong những ngày hè, mây trắng vẫn lờn vờn trên đỉnh núi. Ngược lên phía tây bắc nơi có Bà Nà – núi Chúa, ngọn núi cao nhất huyện 1.458 mét, là nơi nghỉ dưỡng mát lành cho du khách bốn phương, nơi một ngày có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, nơi trước kia đã từng để lại những câu chuyện khiêng cán đã trở thành giai thoại một thời với các ông Tây bà đầm người Pháp trong những năm sang xâm lược nước ta. Hướng về phía đông nam có một vùng Non Nước với 5 ngọn núi phân bố dọc theo bờ biển. Từ đầu nhà Nguyễn, khi vua Minh Mệnh đến thăm chơi từ đó Non Nước có tên chữ là Ngũ Hành Sơn, nơi đã từng nổi tiếng về cảnh đẹp thiên nhiên với các hang động huyền ảo lung linh dưới ánh nắng chiều tà, nơi ra đời của câu chuyện sự tích Ngũ Hành Sơn đầy huyền thoại và tính nhân văn ngày mới khai sinh lập địa đất này, nơi tạo nguồn cảm hứng thi ca vô tận cho khách thanh lịch tứ phương đã có nhiều bài thơ, ký, hoạ, ảnh ghi dấu ấn về đất và người nơi đây. Không chỉ có núi non, Ngũ Hành Sơn còn là làng nghề chạm đá Non Nước nổi tiếng trong và ngoài nước xưa nay. Nhìn ra đông bắc một bán đảo Sơn Chà như hình cái đao đưa ra tận biển canh gác đất trời, nơi ngăn chặn những cơn bão gió từ biển Đông thổi bì bùng vào lục địa.

Trong những năm đánh giặc giữ nước người Hoà Vang đã chiến đấu kiên cường, đã từng ngăn chặn những bước chân xâm lược của quân viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha năm 1858; đã từng làm cho quân Mỹ thất điên bát đảo tại Hoà Ninh ngay sau khi đặt những bước chân xâm lược vào vùng đất Phú Lộc ngày 08 tháng 03 năm 1965. Trong chiến đấu giữ đất, giữ làng, xuất hiện những tấm gương anh dũng đã hy sinh vì sự tồn vong của xứ sở, quê hương. Đất Hoà Vang không chỉ anh hùng hào kiệt trong chiến đấu mà còn sản sinh nhiều nhân tài văn học đã có đóng góp không chỉ cho Hoà Vang mà còn cho dân tộc nữa. Thoại Ngọc Hầu, người con An Hải ngay từ thời trẻ đã vào Nam xây dựng quê hương đất nước và đã làm rạng danh một vùng đất phương Nam nắng gió. Lê Cảnh dầu mồ côi cha từ nhỏ, nhưng lớn lên ngày đêm đèn sách không lúc nào lơ đễnh, càng lớn học càng hay, đến đời Chúa Hiến Tông Nguyễn Phúc Chu ông đỗ kỳ thi Hương được bổ chức Ký lục chính dinh. Trần Phước Thành thông minh có tài lược thi Hương đỗ giải nguyên là quan nhà Nguyễn. Là người giỏi cả văn lẫn võ, năm Duệ Tông thứ VII chỉ huy quân đội đánh tan quân xâm lược Xiêm tại vùng Hà Tiên. Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh người con trai làng La Châu, tổng An Phước, là nhà nho yêu nước chống Pháp dưới thời Tự Đức đến chức Bố chánh sứ tỉnh Khánh Hoà…

Hoà Vang còn là nơi tập trung cho biểu tượng Ngũ Hành Chí Sĩ với Ông Ích Khiêm, Hùynh Bá Chánh, Ông Ích Đường, Lâm Nhĩ, Thái Phiên đều là những nhà nho học rộng hiểu nhiều, đã góp tay làm vẻ vang cho vùng đất huyện nhà.

Ngày nay trong hoà bình xây dựng, người Hoà Vang ra công tài bồi cho xứ sở xanh tươi, vươn lên không ngại khó khăn quyết tâm xây dựng huyện giàu mạnh về mọi mặt, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

 

GIỚI THIỆU VỀ HOÀ VANG ( TÁC GIÃ VÕ VĂN HOÈ

 

 

 

Hòa Vang chín ngõ Sông Con

Không ai ăn ở vuông tròn như em

[15][1]

 

 

Câu ca dao ra đời tự thuở nào ngợi ca bản sắc tâm hồn của con người Hòa Vang giờ đây vẫn còn vang vọng. Nếu người Quảng từng được ngợi ca là nghĩa tình, chung thủy thì ở đây một lần nữa tâm hông người Hòa Vang đã được thăng hoa. Hòa Vang là mảnh đất đấu tranh anh hùng và giàu truyền thống. Chính mảnh đất này đã từng in dấu chân của biết bao anh hùng, nghệ sĩ quê hương.

 

Hòa Vang xưa là đất biên ải của Đại Việt nhưng chỉ qua mấy thế kỷ, nhờ bàn tay tài hoa, khối óc thông minh, tinh thần thiết thạch, người dân Hòa Vang cần cù lao động đã biến vùng đất hoang sơ buổi đầu mở cõi thành một vùng đất phong lưu, văn vật. Chả thế mà đồng dao xứ Quảng từng có một bài hát mang âm hưởng vè, ngợi ca đặc sản quê hương:

 

Nem chả Hòa Vang

 

Bánh tổ Hội An

 

Khoai lang Trà Đõa

 

Rượu thơm Tam Kỳ.

 

Nhiều địa danh ở Hòa Vang đã được cả nước biết đến qua kho tàng văn học dân gian như Cẩm Lệ, Nam Ô:

 

-Thanh Hà vốn gạch bát nồi

 

Thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời lừng danh.

 

 

 

- Nam Ô nước mắm thơm nồng

 

Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà.

 

Đọc “Văn hóa dân gian Hòa vang” tôi như được ai đó nắm tay dắt về quê cũ, nơi mà ở đó tuổi nhỏ tôi đã từng nô đùa nhảy dây, đánh nẻ, từng được mẹ phần cho miếng mọc hay miếng bánh gừng mỗi lần có giỗ, tôi lại được gặp cha tôi trong bữa cơm chiều đạm bạc với con cá rô Bàu Da bên dĩa rau muống Bàu Sen ở làng Bình Thái quê tôi. Tôi thực sự đã bị cuốn hút đến say mê như bỗng nhiên lại phát hiện ra mình, ra quê hương mình qua từng câu hát điệu hò xưa cũ. Bao năm tháng bôn ba ra Huế học rồi lại về Đà Nẵng đi dạy, dẫu sống không xa Hòa Vang là mấy nhưng tôi bây giờ cũng đã pha chút ít thị thành. Cẩm Lệ, Hòa Vang bây giờ cũng là đất thành phố nhưng xét cho cùng nơi đây vẫn mang đặc trưng của văn hóa nông nghiệp mà tiêu biểu là lễ hội Mục đồng ở làng Phong Lệ. Dẫu có sự giao lưu mật thiết với các vùng văn hóa khác nhưng văn hóa dân gian Hòa Vang vẫn có những nét rất riêng. Đây là một gia sản quý báu mà người Hòa Vang rất đổi tự hào.

 

Tôi và Võ Văn Hòe (bút danh Cẩm Lệ) là bạn thân từ thời tuổi nhỏ, cùng học chung trường Bình Khuê Cẩm rồi trường Trung học Hòa Vang. Lớn lên mỗi người một ngã nhưng cuối cùng lại gặp nhau với lòng say mê tìm hiểu văn hóa địa phương.

 

Tôi đã tự nguyện xin được viết lời giới thiệu cho công trình này như được dịp bày tỏ tấm lòng của mình với mảnh đất quê hương.

 

 

 

Xin trân trọng giới thiệu

 

 

 

 

SỰ TÍCH NÚI THẠCH BỒ

Thuở ấy, trời đất, sông núi còn hoang sơ. Có một vị thần thân hình to lớn lạ thường, nhổ tre vặn thừng đan sọt, lấy cả cây tre làm đòn gánh, gánh đất đắp xây sông núi. Thần đi qua vùng đất Cẩm Nê [16][1] không may đòn gánh gãy. Tức giận, vì công việc nửa chừng bị bỏ dở, thần vứt đòn gánh bên bờ vực, vạch quần đái một chỗ rõ to giữa hai sọt đất rồi bỏ đi về phía núi.

Về sau hai sọt đất thần bỏ lại mọc thành hai hòn núi lớn. Đó là núi Thạch Bồ [17][2]. Nước đái của thần chảy giữa hai sọt đất tạo thành một cái khe lớn, nước chảy suốt bốn mùa. Hai đoạn đòn gánh thần vứt bên bờ vực, mọc thành một rừng tre xanh tốt.

Tre Cẩm Nê, Yến Nê, La Bông ngày nay là loại tre to, nổi tiếng trong vùng vì dân trong vùng lấy giống từ rừng tre bê bờ vực ấy về trồng [18][3

 

[1]1] Cẩm Nê: một thôn thuộc xã Hoà Tiến huyện Hoà vang, Tp Đà Nẵng.

[1][2] Nay thuộc địa phận xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang.

[1][3]

Theo: Truyện kể dân gian đất Quảng. Sđd.

 

 


 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây