Lê Đạo, Thiếu úy Quận công -Tiền hiền thủy tổ tộc Lê làng Lệ Sơn

Thứ tư - 12/07/2017 14:31

Lê Đạo, Thiếu úy Quận công -Tiền hiền thủy tổ tộc Lê làng Lệ Sơn

Thủy tổ tộc Lê Lệ Sơn

Cây xanh tán rộng nguyên tại Gốc

Dài sông lớn biển bởi do Nguồn

Thủy tổ tộc Lê - Lệ Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) là:

Ngài Lê Đạo 黎道 – Thiếu úy Quận công, Tiền hiền Đệ nhất    thế tổ
- Dẫn hệ từ Tiền Lê (Triệu tằng tổ Cao thượng tổ Lê Đột) đến Hậu Lê thì Ngài đời thứ 17 (cha Ngài: Lê Trừ, bác Ngài: Lê Học, chú Ngài: Lê Lợi cùng đời 16)
- Dẫn hệ từ Ngài đến nay tại tộc Lê Lệ Sơn là 22-23 đời.
Vậy nên tính từ Triệu Tằng tổ Lê Đột thì đến nay theo dẫn hệ Lê Đại tộc Kinh Triệu Quận, hậu duệ tộc Lê -  Lệ Sơn đời thứ 39-40; khoản trên dưới 1000 năm. 

* Tên gọi Ngài Lê Đạo theo các gia phả và tư liệu lịch sử:

- Lê Đạo (Lê Đại tộc - Kinh triệu quận, Việt Nam gia phả, nhiều tư liệu khác).
Tên Ngài nằm trong gia phả của Quốc Vương Lê Tư Tề (Lê Từ, Lê Hữu Lang, Nguyễn Hữu Lang): Gia phả tộc Nguyễn Vân, làng Văn Nội, Phú Lương, Thanh Oai, Hà Tây-Hà Nội; Lễ Hội và Danh nhân lịch sử Việt Nam của tác giả Hà Hùng Tiến, NXB Văn hóa thông tin, 1999
)
- Lê Độ (trong gia phả Lê tộc sinh hạ)
- Lê Đại Độ 
黎大度 (Bia mộ, gia phả tộc Lê làng Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

- Nguyễn Hữu Đạo (gia phả tộc Lê làng Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Tây).

- Lê Văn Đạo (gia phả tộc Lê Hữu làng Trừng Giang, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

- Lê Đại Đạo (gia phả tộc Lê Hữu làng Ái Nghĩa nay là thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

- Lê Độ (Đại Việt thông sử của Lê Qúy Đôn).

- Nguyên quán: làng Chủ Sơn, Huyện Lôi Sơn, Thanh Hóa. Nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. 
Nơi Ngài ra đi vào Quảng Nam được ghi trong gia phả tộc Lê làng Lệ Sơn là xứ Thần Phù, Nga Điền, Nga Sơn– Thanh Hóa.

- Năm sinh: Sinh năm khoảng 1408-1413, năm mất: không rõ. Ngày kỵ: 19/12 âm lịch.

* Quan hệ gia đình:

Các vị hôn phối (vợ):

- Cụ bà: Nguyễn Thị Nghĩa – vô tự (Mỹ Đức – Hà Tây)

- Cụ bà: Hoàng Thị Nữ Nhụ (Mỹ Đức), sinh :

+ Ngài Lê Văn Cốc (khai canh làng Lệ Sơn, có hậu duệ tại thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho đến ngày nay).

+ Ngài Lê Vô Danh (chết).

+ Ngài Lê Hữu Hiền (Nguyễn Hữu Hiền): có hậu duệ hiện nay tại xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

+ Đường Cô Tổ (vô danh)

+ Ngài Lê Nguyên Phong -Đề đốc tướng quân (khai canh làng Trừng Giang, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có hậu duệ đến nay tại Trừng Giang, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn).

Cha mẹ, Anh chị em ruột:

Cha: Lê Trừ - Hoằng dụ Đại vương

Mẹ: Lê Thị Lăng –Trinh cẩn Thái phi

Anh chị em ruột:

- Lê Khôi – Chiêu huy Đại vương (anh Cả)

- Lê Khang – Hiển Công vương (anh thứ hai)

- Lê Khiêm – Xương quốc công (anh thứ ba)

Ông nội:

Ông nội: Lê Khoáng – Tuyên tổ phúc Hoàng đế

Bà nội là Trịnh Thị Ngọc Nương – Trinh từ Ý văn Hoàng Thái Hậu

Chú bác ruột:

- Lê Học – Chiêu Hiếu Đại vương

- Lê Lợi – Thái tổ cao Hoàng đế

Trong Phả hệ toàn đồ Lê Đại tộc Kinh Triệu quận (Nguồn Việt Nam gia phả) tính từ Triệu Tằng Tổ Cao Thượng Tổ LÊ ĐỘT thì Ngài Lê Đạo đời thứ 17(4). Ngài Lê Trừ đời thứ 16.

* Thời gian Ngài vào nam và Quảng Nam và khai lập làng Lệ Sơn (nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng):

  • Lần thứ nhất: năm 1446 theo chiếu động binh của Vua Lê Nhân Tông chinh phạt Chiêm Thành Bí Cai (Ngài có tên trong 281 vị con cháu họ Lê thuộc 4 hệ 9 chi). Trong danh sách này Ngài ở vị trí 89.
  • Lần thứ hai: Theo Vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành Trà Toàn hoàn toàn thắng lợi, sau đó Nhà Vua chiếu lập Đạo Thừa tuyên Quảng Nam và sai phái ở lại cai quản vùng Lệ Sơn, truyền hậu duệ cho đến ngày nay (22-23 đời).

Sự nghiệp Ngài Lê Đạo:

* Những mốc sự kiện lịch sử chính liên quan đến cuộc đời Ngài Lê Đạo:

+ Năm 1418: Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa.

+ Năm 1428: Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi hoàn toàn, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, xưng Bình Định vương Lê Lợi. Trong khoảng thời gian trị vì, Nhà Hậu Lê bắt đầu có sự tranh giành ngôi vương giữa Lê Tư Tề và Lê Nguyên Long và hình thành phe phái ủng hộ các bên với Lê Sát ủng hộ Lê Nguyên Long; Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xão, Lê Đạo ủng hộ Lê Tư Tề.

+ 1433: Lê Lợi mất, trao ngôi vua cho Lê Nguyên Long là con thứ của Lê Lợi (vua Lê Thái Tông).

+ 1433: Lê Thái Tông lên ngôi, mất 1442.

+ Năm 1433: Lê Tư Tề bị giáng xuống làm Quận Vương.

+ Năm 1438: Lê Tư Tề bị giáng xuống làm thứ dân. Cùng thời gian này, Ngài Lê Khôi, anh cả đang là trụ cột của triều đình cũng bị cho nghỉ về nhà không rõ lý do.

+ 1442: Lê Nhân Tông lên ngôi, tiến hành chinh phạt Chiêm Thành năm 1446 và mất 1459.

+ 1459: Lê Thánh Tông lên ngôi vua, chinh phạt Chiêm Thành năm 1471.

+1471: Lê Thánh Tông lập Đạo Thừa tuyên Quảng Nam và sai phái hoàng thân, quốc thích Nhà Lê, người có công cho Nhà Hậu Lê cai quản, khai khẩn Quảng Nam Thừa tuyên.

* Tóm tắt cuộc đời sự nghiệp Ngài Lê Đạo:

- Từ 1418-1428: Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ ngày đầu, phò Lê Lợi cho đến ngày thắng lợi.

- Từ 1428-1438: Sống và làm việc tại kinh thành Thăng Long.

- Từ 1439-1442: Rời thành Thăng Long theo Quốc Vương Lê Tư Tề (Lê Hữu Lang) lui về Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, Hà Tây, và thay đổi họ Lê thành họ Nguyễn (Nguyễn Hữu Đạo). Ngài cũng đã ghi lưu họ Lê của Ngài vào gia phả dòng Lê Tư Tề (Lê Hữu Lang) là con trưởng Lê Lợi, để không mất hoặc thất lạc gốc tích. Việc thay đổi họ này liên quan đến việc tranh giành ngôi vương giữa hai anh em cùng cha khác mẹ là Lê Tư Tề và Lê Nguyên Long (Lê Thái Tông). Chủ mưu của việc thanh trừng và truy sát gia đình và những người bà con trong dòng Lê Trừ và quần thần ủng hộ Lê Tư Tề là bà Nguyễn Thị Anh, vợ vua Lê Thái Tông đã cùng với Tư Đồ Lê Sát thực hiện nhiều thủ đoạn xảo quyệt để triệt hạ Lê Tư Tề và những người ủng hộ Quốc vương Lê Tư Tề. Về điều này đã được ghi lại trong Lê Triều Ngọc Phả, Đại Việt Sử ký toàn thư và các tư liệu lịch sử, công trình nghiên cứu khác sau này. Tuy nhiên, năm 1929 con cháu hậu duệ Lê Tư Tề, Vua Bảo Đại đã ấn chỉ Chúc thư để cải chính lại họ Nguyễn Hữu của Lê Tư Tề trở lại Lê Hữu và ấn chỉ này ban ra vào năm Bảo Đại tam niên. Đối với hậu duệ Lê Đạo (Nguyễn Hữu Đạo), cũng như của Lê Tư Tề do các điều kiện khách quan của gia tộc, của lịch sử đã không biết về Chúc thư cải lại họ gốc của mình. Do đó cho đến nay, về mặt pháp lý thì hậu duệ của Lê Đạo vẫn mang họ Nguyễn nhưng trong gia phả Nhà thờ tại Phù Lưu Tế đã khẳng định và ghi rõ cụ Tổ Nguyễn Hữu Đạo là Lê Đạo thuộc gốc gác của dòng Lê Trừ là hoàng tộc Nhà Hậu Lê.

- Từ 1442-1446: Sống ở hai nơi là kinh thành Thăng Long và quê PhùLưuTế, Mỹ Đức, Hà Tây.

- Năm 1446: Theo Chiếu động binh của vua Lê Nhân Tông, nằm trong danh sách 281 hoàng thân, quốc thích Hoàng Lê tham gia chinh phạt Chiêm Thành, mở mang bờ cỏi đất nước.

- Từ 1446-1471: Trở lại kinh đô và quê Phù Lưu Tế, Mỹ Đức.

- Năm 1471: Theo Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, ở lại khai lập làng Lệ Sơn, Trừng Giang, Đông Bàn - Điện Bàn theo phân công của Vua Lê Thánh Tông sau khi lập đơn vị hành chính thứ 13 là Đạo Thừa tuyên Quảng Nam.

* Công trạng và các chức phẩm của Ngài Lê Đạo:

- Công trạng: được Lê Lợi định mức khen thưởng vào tháng 2 năm 1428 trong số 221 được ban quốc tánh và ngày mồng 3 tháng 5năm 1429 được Lê Lợi vinh danh là Công thần khởi nghĩa Lam Sơn.

- Chức vụ: Nhập nội kiểm hiệu Thiếu úy, Thiếu úy Quận công.

- Đánh giá về Ngài được ghi trong sử sách: Lê Đạo là tướng tâm phúc cạnh chủ súy Lê Lợi và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi đầu. Từng hết lòng phò tá vua Lê từ những ngày tháng hiểm nghèo bị vây khốn tại núi Chí Linh năm 1419. Trong quá trình kháng Minh cứu quốc trong hàng ngũ Trung thư Hoàng Môn, ông lập được nhiều công lao được phong công thần. Theo gia phả họ Lê Tư Tề cùng tác phẩm Lễ Hội và danh nhân lịch sử Việt Nam của tác giả Hà Hùng Tiến (NXB Văn hóa Thông tin, 1997) thì ông là con Hoằng Dũ Đại Vương Lê Trừ (em Lê Học, anh Lê Lợi), ông có 3 anh ruột là Lê Khôi, Lê Khang, Lê Khiêm (gọi Lê Lợi bằng chú ruột). 

- Về cai quản và khai lập vùng Lệ Sơn: Ngài có tên trong danh sách được Vua Lê Thánh Tông phân công cai quản, khai khẩn và khai lập làng Lệ Sơn (nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng và làng Trừng Giang (nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Vào Quảng Nam thừa tuyên, Ngài mang theo hai người con và cùng tham gia Bình Chiêm năm 1471 là Lê Văn Cốc, Lê Nguyên Phong (nối truyền và khai canh làng Lệ Sơn và Trừng Giang).

- Về già: Khoảng sau 1471, Ngài về quê sinh sống và mất, mộ táng tại làng Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, Hà Tây. Mộ hai cụ bà cũng được táng tại đây. Hiện nay ở Phù Lưu Tế có nhà thờ, con cháu hậu duệ 4 phái (chi) của Ngài, Ngài Lê Tư Tề (con trưởng Lê Lợi).

Ngài có hậu hiền là thế tổ thứ hai tại 03 nơi và truyền hậu duệ đến ngày nay như sau:

  1. Tộc Lê làng Lệ Sơn (Đà Nẵng): Ngài Lê Văn Cốc (anh cả)
  2. Tộc Lê Hữu-Nguyễn Hữu làng Phù Lưu Tế (Hà Tây): Ngài Lê Hữu Hiền (thứ hai).
  3. Tộc Lê Hữu Trừng Giang (Quảng Nam): Ngài Lê Nguyên Phong (thứ ba)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây