TỘC LÊ - LỆ SƠN

http://tocleleson.com


Viết bên thềm cuối năm tây lịch 2021: Đà Nẵng - Sông Hàn có từ bao giờ?

Viết bên thềm cuối năm tây lịch 2021: Đà Nẵng - Sông Hàn có từ bao giờ?
Mỗi miền quê trên đất nước ta, nơi đâu cũng có những dòng sông êm đềm, uốn lượn làm nên dáng hình xứ sở của vùng đất ấy. Với Đà Nẵng, trong bài hát Đà Nẵng tình yêu của tôi, cố nhạc sĩ An Thuyên đã lặng thầm nhìn dòng sông vắt ngang qua thành phố như hình ảnh một người con gái e ấp, dễ thương, duyên dáng, trẻ trung đầy sức sống và quyến rũ. Với An Thuyên, thành phố Đà Nẵng như mơ và sông Hàn thì như thơ nên sông Hàn luôn để lại trong lòng du khách phương xa, cũng như của người Đà Nẵng một tình yêu đối với thành phố cuối sông đầu biển. Riêng với nhạc sĩ Đình Thậm qua bao thăng trầm của một vùng đất, nơi mà ‘’núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi’’ vẫn bình dị, thủy chung với thời gian nên nói đến, nghĩ đến Đà Nẵng, đó là xứ sở của TÌNH NGƯỜI (Bài hát Đà Nẵng Tình người – Đình Thậm).
Đã bao lâu rồi, chúng ta mong đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: từ bao giờ và ai đã đặt tên cho sông Hàn và Đà Nẵng?
Đã có nhiều tác giả nghiên cứu, khảo cứu về tên gọi của dòng sông mang tên ‘’Hàn’’ làm nên vẻ đẹp đô thị của thành phố mang tên Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đang bước vào tuổi sinh nhật 25 mà ở đó gần như đồng thuận tên sông: ‘’Hàn’’ và tên địa danh xứ sở: ‘’Đà Nẵng’’ có nguồn gốc từ tiếng Chàm ‘’Hang Danak’’. Trong bài ‘’Tên Việt mang âm hưởng Chàm’’ của tác giả Jaya Panrang, lần đầu tiên nêu tên gọi ‘’Hang Danak’’ để chỉ danh ‘’Hàn – Đà Nẵng’’. Có cùng quan điểm với Jaya Panrang, tác giả Nguyễn Khắc Ngữ trong Văn hóa nguyệt san số 78 (1963) cho rằng ‘’Hàn’’ xuất phát từ chữ Han hay Hen của Chàm nghĩa là vùng đất được tích tụ từ sự bồi lấp bởi phù sa của dòng sông Hàn xưa cách đây hàng trăm năm với địa hình nghiêng trượt. Còn ‘’Đà Nẵng’’ khởi nguyên từ tiếng Chàm là Danak là ‘’biển’’ và Darak là ‘’biển rộng lớn’’.
Trong chữ Hán, ‘’đà’’ là sông nhánh, ‘’nẵng’’là xưa kia, ngày xưa. Đà Nẵng là tên gọi do người Việt mượn từ tiếng Chàm mà Việt hóa một cách tài tình, giữ cả âm lẫn nghĩa: vùng sông nước từ xa xưa.
Qua cách cắt nghĩa của các tác giả Jaya Panrang, Nguyễn Khắc Ngữ và một số tác giả khác cho thấy rằng chính những điều kiện tự nhiên, những yếu tố khí hậu thời tiết đã tác động lên các sông, suối, địa hình mặt đất...qua nhiều năm, nhiều thế kỷ cùng với những tác động trong sự vận động của quả đất, quá trình biển lùi, biển tiến... ở khu vực thành phố Đà Nẵng đã hình thành nên những vùng đất bồi tụ bởi phù sa, đất, cát, sỏi...góp phần tạo nên dòng chảy ổn định về phía đông của sông Hàn ngày nay vắt ngang qua thành Đà Nẵng, và nơi cuối dòng sông là hội đổ về phía biển – biển Đông. Sông Hàn mang phù sa, đất cát...đắp bồi hình thành những vùng dân cư sinh sống, phát triển từ rất lâu đời, mà ngày nay những tên làng có từ 400, 500 năm trước ở hai bên con sông Hàn như: Hải Châu, Thanh Khê, Thạch Than, Nại Hiên, An Hải...như minh chứng, minh định cho một quá trình của bà mẹ thiên nhiên xứ sở Đà Nẵng (Danak) thai nghén, mang nặng đẻ đau tạo ra những vùng đất hiền hòa còn cho đến ngày nay.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy: địa danh học nhằm nghiên cứu tên gọi những nơi chốn của một xứ sở, ngữ nguyên học giúp truy biết danh xưng một thôn làng, một cảnh quê, ngọn núi, dòng sông qua nhiều thế kỷ.
- Hải Châu nghĩa là bãi trồi lên do biển cạn (hải hạc xứ),
- Thạch Than: vùng đất đá ven nước,
- Thanh Khê: vùng đất có khe nước trong xanh,
- Nại Hiên: vùng đất như mái hiên hứng chịu mưa gió, bão giông từ biển thổi vào.
Tất cả đều nói lên ý nghĩa xứ ở trên đất bồi tích của sông biển trải qua nhiều thế kỷ.
Để củng cố cho luận thuyết tác động của dòng chảy sông, tác động của biển và địa hình của Đà Nẵng từ xa xưa để người Chàm gọi là Hang Danak (Hàn – Đà Nẵng) phản ảnh quá trình trầm tích ở cửa sông và ven biển Đà Nẵng xưa và nay, chúng ta tìm hiểu quá trình hình thành đồng bằng Bắc Bộ qua quá trình vận động của sông Hồng.
Theo tác giả Lê Văn Siêu: Sông Hồng bắt nguồn ở Đại Lý – Vân Nam, phía tây Côn Minh, Trung Quốc có tên là Mã Long giang. Nó chảy đi rất nhanh như mũi tên, cuốn theo chất sét của đất sắt ở Vân Nam và đá ong ở hai bên bờ nên dòng nước đỏ ngầu. Khi chảy vào Việt Nam ở Lào Cai, nó tiếp nhận vào lòng sông hẹp, sâu lại thẳng tắp...rồi bị dồn ép như thế gần 100 cây số nữa bởi chân rặng núi Fan si pan với lưu lượng 700m3/s lúc thường và 30.000 m3/s vào mùa nước lũ. Số lượng phù sa là 0,7 tới 3 kg mỗi mét khối (tức là 130 triệu tấn hay 80 triệu mét khối mỗi năm). Sông Hồng vừa đắp cao đồng bằng lên, vừa đẩy chất hữu cơ xuống đáy biển thoai thoải, xa tới 20 km mà chỉ sâu có 80m. Đồng bằng như vậy có thể mở rộng và lân ra biển trung bình gần đầu đặn là 10 m mỗi năm, tức là khoảng 1km mỗi thế kỷ. Cả chiều dài của đồng bằng sông Hồng khoảng 200km. Như vậy là sông đã bồi đắp trong vòng 20 thế kỷ. Đó là theo lý thuyết. Thực tế thì chậm hơn nhiều. Thực tế thì có lẽ phải là một khoảng thời gian gấp đôi. Bởi lẽ về sau này còn có vai trò của con người khai phá rừng, đất đai, can thiệp thiên nhiên để sản xuất, hình thành các vùng dân cư nên việc chỉnh trị các dòng sông hiệu quả hơn. Nhờ đó, phù sa dồn về một hướng với tốc độ, nhanh mạnh hơn.
Theo tác giả Trần Đức Lương (nguyên Chủ tịch nước), trong bài Hiểm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với Việt Nam và nhìn từ Việt Nam: ‘’Thời kỳ tan băng lớn nhất gần ngày nay (thời kỳ biển tiến Flandrian) diễn ra vào khoảng 6000-4000 năm trước đây. Vào thời kỳ này mực nước biển dâng cao hơn 4-5 m so với mực nước biển hiện tại. Vào thời đó vịnh Hạ Long và vịnh Thái-lan mới bị ngập nước như ngày nay. Biển còn lấn sâu và phủ trùm gần như toàn bộ đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long cũng như các đồng bằng châu thổ các sông ven biển miền trung Việt Nam. Các đồng bằng này như chúng ta thấy được ngày nay chỉ được hình thành và được con người chiếm lĩnh, khai thác dần khi biển rút bắt đầu từ khoảng 4500 năm đến nay’’. Theo tác giả Trần Đức Lương, chính quá trình biển rút vào khoảng 4500 năm trở lại đây đã góp phần hình thành những vùng đồng bằng, châu thổ ngày nay ở nước ta, trong đó có miền Trung Việt Nam. Như vậy là bao gồm thành phố Đà Nẵng.
Theo tác giả Nguyễn Sinh Duy: trong qúa khứ cách đây 4500 năm vào thời đại bình minh của dân tộc Việt Nam, thành phố Đà Nẵng hãy còn là một vùng biển và bán đảo Sơn Trà, núi Non Nước hãy còn là những hòn đảo ở ven biển như các đảo Cù Lao Chàm ngoài khơi Đà Nẵng ngày nay. Sau đợt biển ngập cách đây 4500 năm thì mực nước biển rút dần xuống theo kiểu nhấp nhô, để lại cát bồi tích biển trên đó có các dòng sông trải phù sa tạo thành các thềm của mình, cửa sông càng lúc càng tiến về phía đông....
Theo nghiên cứu của tác giả Hoàng Gia Đức, trong nghiên cứu về địa chất công trình thành phố Đà Nẵng đã khoan lỗ trên 40 vị trí trong lòng thành phố Đà Nẵng vào năm 1980-1982, có độ sâu 10-12m, cho thấy nền đất thành phố được thành lập chủ yếu do bồi tích của sông và biển và do độ dốc của triền sông lớn...Một số dấu vết khác chứng tỏ có sự phơi trần của nền đất trong điều kiện khô cạn khi biển rút lui xa.
Ngược dòng thời gian!
Quảng Nam và Đà Nẵng xưa là đất Việt Thường, đời Tần (214-205 trước tây lịch) thuộc Tượng Quận; Hán (206-192 trước tây lịch) thuộc Tượng Lâm. Từ năm 192 đến năm 1305 thuộc nhà nước Champa (Chiêm Thành). Từ năm 1306 thuộc về Đại Việt sau cuộc hôn nhân giữa Công chúa Huyền Trân (là con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông), và vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) của Chiêm Thành. Chế Mân đã dâng vùng đất Châu Ô và Châu Rí cho nhà Trần, vua Trần Anh Tông cho di dân khẩn hoang, lập ấp và đổi tên thành Thuận Châu và Hóa Châu. Năm 1402, sau khi chiếm ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly đánh Chiêm Thành lấy đất Chiêm Động, Cổ Lũy đặt thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Năm 1470, năm Hồng Ðức nguyên niên, vua Lê Thánh Tông, sau trận đại thắng với Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là Trà Toàn, lấy lại Hóa Châu, gồm đất Chiêm Ðộng, Ðồ Bàn, Ðại Chiêm và Cổ Lũy. Tháng 6 năm Tân Mão (1471), Nhà Vua lập thành đạo Thừa tuyên Quảng Nam, đơn vị hành chính thứ 13 của nước ta lúc bấy giờ bao gồm đất của 3 phủ Thăng Hoa (nam Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định), trải dài từ bờ nam sông Thu Bồn (Điện Bàn, Quảng Nam) đến phía bắc đèo Cù Mông (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên). Năm 1553, Sung Nham Hầu, Tiến sĩ Dương Văn An đã nhuận sắc Ô CHÂU CẬN LỤC ghi địa danh ĐÀ NẴNG lần đầu tiên trong cuốn sách đó của Dương Văn An.
Như đã phân tích trên, địa danh Đà Nẵng có nguồn gốc từ tiếng Chàm là ‘’Danak’’. Đến năm 1553, Dương Văn An chép trong Ô châu cận lục. Điều đó chứng tỏ rằng tên Đà Nẵng đã có từ trước đó và gọi bởi cư dân bản địa.
Có một dấu mốc rất quan trọng trong thời gian trị vì của Vua Lê Thánh Tông. Đó là vào năm Bính Tuất, [Quang Thuận] năm thứ 7 [1466]: ‘’Vua ra lệnh cho 12 thừa tuyên điều tra hình thế sông, núi, sự tích xưa nay của các nơi trong hạt mình, vẽ thành bản đồ ghi chú rõ ràng rồi về Hộ bộ để làm bản đồ địa lý’’. Thời bấy giờ vùng đất Đà Nẵng đã thuộc về Đại Việt, tức thuộc Thừa tuyên Thuận Hóa nên tên gọi Danak của người Chàm đã được gọi theo âm Việt là Đà Nẵng. Vậy nên theo chúng tôi, danh xưng Đà Nẵng có từ năm 1466, nghĩa là đã hơn 550 năm rồi. Vậy nên, năm 1553, chỉ là mốc đánh dấu được ghi chính thức trong Ô châu cận lục. Làng Lệ Sơn quê tôi cũng trong số 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa nhưng có lẽ đã có tên gọi theo âm tiếng Việt từ sau năm 1466 như Danak thành Đà Nẵng.
Đà Nẵng theo thời gian, biến thiên của lịch sử, sau này còn có các tên gọi khác nhau theo cách gọi của người Trung Hoa là Hiện Cảng; của người phương Tây như sau:
- Kean (1615)
- Turon (1618)
- Turaon (1652)
- Cuahan (1624)
- Touhan (1819-1820)
- Tour han (1848)
- TOURANE: Ngày 3 tháng 10 năm 1888, Vua Đồng Khánh buộc phải ký một đạo dụ gồm 3 khoản quy định rõ "...Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp, và chính phủ Đại Nam từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó". Theo phụ đính của đạo dụ này, năm xã của huyện Hòa Vang gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây nằm bên tả ngạn sông Hàn được cắt giao cho Pháp để lập "nhượng địa" Tourane với diện tích 10.000 ha.

***Thay lời kết:
Có lẽ sông Hàn và Đà Nẵng, trong tôi đấy là thành phố của Tình yêu, của Bà mẹ xứ sở dành tặng cho tiền nhân và hậu thế. Để hôm nay, với bao máu xương, công sức của lớp lớp thế hệ người Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng đã tạo dựng, gìn giữ và phát triển ngày một vững bền, thịnh vượng. Một thành phố, một đô thị thông minh, hiện đại và giàu bản sắc trong xu thế hội nhập và thời đại 4.0.
Yêu nhiều lắm "sông Hàn – Đà Nẵng" của tôi!
Tự dưng, tôi lại nhớ đến mấy vần thơ của nhà thơ Chế Lan Viên Trong tiếng hát con tàu:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn
Sông Hàn – Đà Nẵng, không chỉ hóa thân trong tâm hồn tôi mà chắc là hết thảy của chúng ta rồi!
TS.BS.Lê Văn Nho
Ngày nắng đẹp, cuối năm tây lịch 31/12/2021
***Xin cảm ơn tư liệu của các tác giả trong TLTK.

*Tài liệu tham khảo:
1 - Huỳnh Công Bá, Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam – Đà Nẵng từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2018.
2 - Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam những vấn đề lịch sử, Nhà xuất bản văn học, 2013, trang 8- 17.
3 - Võ Văn Dật, Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019.
4 - Hoàng Gia Đức, Sơ lược lịch sử thành lập và tính năng xây dựng của nền đất Đà Nẵng, Tập san Nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng, số 3, 1984.
5 - Trần Đức Lương, Hiểm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với Việt Nam và nhìn từ Việt Nam (2007), nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/hiem-hoa-cua-bien-doi-khi-hau-toan-cau-doi-voi-viet-nam-va-nhin-tu-viet-nam-407849/
6 - Lê Văn Siêu, Việt Nam văn minh sử lược khảo, tập thượng, Nhà xuất bản lao động, 2002, trang 33-35.
7- Lịch sử thành phố Đà Nẵng. Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2001.
8 - Đại Việt sử ký toàn thư
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây