Hành trình tìm kiếm cội nguồn của tộc Lê làng Lệ Sơn đã dẫn dắt tôi bắt đầu từ những dòng ghi trong gia phả của tộc Lê làng Lệ Sơn viết về Ngài tiền hiền Lê Đại Độ: “Ngài Lê Đại Độ là thế tổ thứ Nhất nguyên gốc Thần Phù trấn Nghệ An vào Quảng Nam dinh khoảng trước sau năm 1430-1500 khai lập tộc Lê làng Lệ Sơn. Đến già Ngài về Bắc từ trần và an táng tại quê nhà không rõ mộ phần cũng như tên tuổi và mộ phần cụ hôn phối với Ngài’’.
Đây là đoạn trích nguyên văn trong gia phả mà Hội đồng tộc Lê, Lệ Sơn đã thống nhất lập ra năm 2010 dựa trên bản gốc "Lê Văn tộc phổ chí" năm Duy Tân lục niên Nhâm Tý 1912 để xây dựng gia phả tộc Lê, Lệ Sơn – Hòa Tiến.
Đọc đoạn ghi chép này, tôi quan tâm, làm rõ các nội dung sau và đây cũng chính là những điểm chỉ dấu trong hành trình đi tìm cội nguồn tộc chúng tôi:
- Nguyên quán Ngài ở đâu?
- Ngài tên họ gốc là gì?
- Ngài đến Quảng Nam dinh vào thời điểm năm nào?
- Nguồn gốc làng Lệ Sơn nơi Ngài đến khai làng, lập họ tộc có từ bao giờ?
- Về già Ngài về Bắc rồi mất thì ở vùng nào ngoài Bắc? Mộ phần của Ngài ở đâu?
- Ngài có bao nhiêu vị hôn phối; mộ phần các vị hôn phối có còn không và ở đâu?
Qua quá trình khảo cứu, phân tích dựa trên nhiều nguồn tư liệu lịch sử tôi từng bước giải mã và đi đến những kết luận như sau:
1. Về nguyên quán của Ngài Lê Đại Độ:
Có thể khẳng định Ngài ra đi từ xứ Thần Phù, trấn Nghệ An là đúng như trong gia phả. Tuy nhiên, ngày nay Thần Phù là cửa biển thuộc địa phận huyện Yên Mô - Ninh Bình và huyện Nga Sơn -Thanh Hóa. Về mặt địa danh, trước tiên cần khẳng định cửa Thần Phù là địa danh có thật và có từ ngàn xưa. Vùng đất này liên quan đến những câu chuyện được lưu truyền theo truyền thuyết và cả trong sử sách Việt Nam và ngày nay, cửa biển Thần Phù đã lùi sâu vào trong đất liền khoảng 10 cây số. Về tên gọi nguyên gốc là cửa biển này là Thần Đầu cho tới khi vua Lý Thái Tông (năm 1044) trên con đường đi đánh Chiêm Thành đã đặt lại tên nơi đây là Thần Phù. Câu chuyện liên quan việc đặt lại tên được ghi trong Nam Ông mộng lục như sau: Khi vua Lý Thái Tông mang quân Nam tiến đánh đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Thần Đầu thì gặp gió to sóng dữ, không đi được. Vua nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Khi xong chiến trận trở về, Vua đi ngang nơi đây thì hay tin đạo sĩ mất. Vua cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là "Áp Lãng Chân Nhân" (người dẹp yên được sóng dữ) và đặt tên là Thần Phù. Theo Dư Địa chí Nguyễn Trãi nhuận sắc năm 1435 thì Thần Đầu có nghĩa là vùng có có loại cá hình đầu người và có đuôi không vẩy. Và ngày nay, do sự biến động, biến thiên của thiên nhiên, cửa biển Thần Phù bị vùi lấp đã lùi sâu vào trong đất liền cách bở biển 10 km. Trước đây khu vực này thuộc tỉnh Ninh Bình, dưới thời Nguyễn, một phần được tách về tỉnh Thanh Hóa. Cửa biển Thần Phù hiện nằm trên tuyến sông Nhà Lê, thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa. Khu vực Thần Phù nay ở thượng nguồn lưu vực sông Càn, con sông cùng với dãy núi Tam Điệp là ranh giới giữa 2 miền Trung - Bắc Việt Nam.
Thần Phù, nơi Ngài Lê Đại Độ đã ra đi vào Quảng Nam dinh là thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Ngày nay, Thần Phù thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hơn nữa, trấn Nghệ An xưa và nay là tỉnh Nghệ An không có địa danh nào có tên là Thần Phù; ngoại trừ có một ngôi chùa mang tên là Thần Phù.
Theo gia phả ghi là Quảng Nam dinh thì chúng ta cần phải hiểu rằng, tên gọi hành chính là dinh có từ khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào Nam trấn giữ năm 1602, còn trước đó dưới triều Vua Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ hai (1471) được gọi là Đạo Thừa tuyên Quảng Nam; đến năm 1490 gọi là Xứ Quảng Nam, rồi đến năm 1509 gọi là Trấn Quảng Nam.
Như vậy, Ngài Lê Đại Độ, tiền hiền thủy tổ làng Lệ Sơn có gốc gác từ Thần Phù - Thanh Hóa vào Quảng Nam.
2. Về tên của Ngài Lê Đại Độ:
- Năm Thuận Thiên thứ nhất 1430, dòng Lê Lợi viết gia phả Lê tộc sinh hạ thì Ngài Lê Đại Độ có tên là Lê Độ và được ghi là con của Lê Khang. Tuy nhiên, Lê Khang là anh ruột thứ hai của Ngài ( Căn cứ Lê tộc sinh hạ của dịch năm 1969)
- Gia phả tộc Lê thôn Lệ Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng): lập năm 2010 dựa trên bản quốc ngữ in năm 1912 thì ông tiền hiền thế tổ thứ nhất là Lê Đại Độ và nối tiếp các đời đến đời thứ 9 thì chia thành 4 phái (Nhất, Nhì, Ba, Tư) cho đến nay đời thứ 22, 23 (và sự nối tiếp từ đời thế tổ thứ Nhất cho đến nay là liên tục). Ngài Lê Đại Độ sinh Ngài Lê Văn Cốc; Ngài Lê Văn Cốc sinh Ngài Lê Văn Minh. Hiện mộ các thế tổ tình từ thứ hai trở đi đều còn tại thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Riêng mộ của Ngài Lê Đại Độ hiện có (mộ Thỉnh hồn, lập vị, ghi danh) ở khu Nghĩa trang mà tộc Lê Lệ Sơn quy tập năm 1977 (sau ngày miền Nam giải phong, thống nhất đất nước).
- Căn cứ gia phả tộc Lê Hữu ở Aí Nghĩa (xã Đa Hòa, Đại Lộc, Lệ Sơn-Hòa Tiến, Hòa Khương): đều khẳng định thủy tổ dòng họ Lê Hữu ở các nơi trên có nguồn gốc từ tộc Lê thôn Lệ Sơn, Hòa Tiến. Đó là Ngài Lê Đạo (còn gọi là Lê Đại Đạo) và có chiều dài các đời đến nối tiếp theo đến đời thứ 4 là Ngài Lê Công Lỗ (bản gia phả Lê Hữu là Ngài Lê Hữu Lỗ) và bà Đoàn Thị Liễu. Do hoàn cảnh chiến tranh và lịch sử gia đình, thì dòng Lê Hữu Lệ Sơn tìm đến các xứ Ái Nghĩa, Đa Hòa, Hòa Khương, Trung Phước khai phá và lập nghiệp kể từ năm 1780 và một nhánh ở lại Lệ Sơn (hình thành nhánh Lê Hữu làng Lệ Sơn). Theo gia phả tộc Lê Hữu ở Ái Nghĩa đã công bố trên website vietnamgiapha thì Ngài Lê Đại Độ (Đạo) con ông Lê Trừ, và gọi Lê Lợi là chú ruột. Nguồn tư liệu để Lê Hữu tộc ở Ái Nghĩa được ghi chép từ nguồn tư liệu gốc do ông Lê Hữu Thơ (đã chết) dịch và cung cấp. Theo gia phả tộc Lê Hữu này cho biết, Ngài Lê Đại Đạo đã tham gia hai cuộc bình Chiêm Thành trong tiến trình mở mang bờ cỏi về phương Nam: lần thứ nhất vào năm 1446 theo chiếu gọi của vua Lê Nhân Tông đánh vua Chiêm Thành Bí Cai và năm 1471 thời vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành Trà Toàn. Sau khi Lê Thánh Tông dẹp yên Chiêm Thành, tháng 8 năm 1471, Vua cho lập Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam và sai phái Ngài Lê Đạo đến khai phái vùng Lệ Sơn ngày xưa (bao gồm thôn Lệ Sơn, Hòa Tiến ngày nay) và lập nghiệp ở đây.
- Căn cứ gia phả tộc Lê Hữu ở Trừng Giang, Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam: được Thượng tá Lê Đông Phong, một người trong dòng họ đi tập kết và sang học bên Trung Quốc; sau ngày giải phóng, Thượng tá Phong tìm đến các Trung tâm, thư viện Hán Nôm và đã ghi chép lại để xây dựng gia phả hiện nay của dòng họ mình tại Điện Trung, Điện Bàn. Theo gia phả tộc Lê Hữu ở đây cho biết Ngài Lê Văn Đạo là con của Ngài Lê Trừ, gọi Lê Lợi là chú ruột, Ngài là thủy tổ của dòng họ Lê Hữu làng Trừng Giang. Căn cứ Hoàng Lê Ngọc phả, Việt nam gia phả (Lê Đại tộc, Kinh triệu quận) cho thấy, Ngài được sai phái cai quản làng Trừng Giang.
- Căn cứ các công trình nghiên cứu và tư liệu đã xuất bản của hai nhà nghiên cứu Phạm Ngô Khôi và Lê Duy Anh trong ‘’Nhân vật Họ Lê trong lịch sử Việt Nam’’: cho thấy rằng Ngài là con của Lê Trừ nhưng tên Ngài không nằm trong gia phả nhà Lê Trừ mà được ghi trong gia phả nhà Quốc vương Lê Tư Tề.
Trong phả ký của tộc Lê Hữu - Ái Nghĩa và Lê Hữu -Trừng Giang đều đề cập đến sự tham gia hai cuộc bình Chiêm Thành dưới triều vua Lê Nhân Tông (1446) và vua Lê Thánh Tông (1471) của Ngài Lê Đạo. Trong cuộc bình Chiêm năm 1446, Ngài có tên trong 281 chư vị hoàng Lê theo lệnh động binh của Vua Lê Nhân Tông. Trong danh sách này, Ngài Lê Đạo ở vị trí 89, thuộc hệ 3 chi 5 và con của Ngài Lê Từ. Cần đặc biệt chú ý rằng, Lê Từ ở đây chính là Lê Tư Tề (Căn cứ Lê Triều Ngọc phả) chứ không phải là Lê Trừ (cha ruột của Ngài Lê Đạo). Do hoàn cảnh lịch sử cá nhân và của gia tộc nhà Lê Trừ, Lê Lợi thì Ngài Lê Đạo không có tên trong các tư liệu lịch sử như Hoàng Lê Ngọc phả, Lê Triều Ngọc phả cũng không thấy tên Ngài Lê Đạo. Tuy nhiên, căn cứ tư liệu công bố của Hội đồng họ Lê Việt Nam thì Ngài Lê Đạo là con thứ tư (con út) của Ngài Lê Trừ (xem Phả hệ tòan đồ, nguồn Viet nam gia pha, Lê Đại tộc - Kinh triệu quận), Ngài thuộc đời thứ 17, con thứ tư (17.4). Qua quá trình khảo cứu, tôi thấy Ngài Lê Đạo có tên trong gia phả của Quốc vương Lê Tư Tề nằm trong các nguồn tài liệu sau đây:
+ Lễ Hội và danh nhân lịch sử họ Việt Nam của tác giả Hà Hùng Tiến, NXB Văn hóa Thông tin 1999.
+ Gia phả Nguyễn tộc làng Vân Nội, Phù Lương, Thanh Oai, Hà Nội.
Do tên gia phả của Ngài Lê Đạo nằm trong gia phả nhà Quốc Vương Lê Tư Tề nên trong danh sách 281 vị nhà Lê tham gia bình Chiêm dưới triều Lê Nhân Tông được ghi là con của Lê Từ tức Lê Tư Tề (con trưởng của Vua Lê Lợi). Về chỗ này, chưa thấy các tư liệu lịch phân tích. Qua khảo cứu, chúng tôi phát hiện ra điều này và cũng làm sáng rõ một điều rằng: Dù sinh ra từ nhà Lê Trừ nhưng cuộc đời Ngài thì số phận gắn với nhà người con trưởng của Vua Lê Lợi tức Quốc vương Lê Tư Tê (Lê Hữu Lang) kể cả trong gia phả lẫn trong cuộc đời giữa Ngài với gia đình nhà con trưởng của Lê Lợi, tức là quan hệ anh em nhà chú bác ruột.
Qua quá trình khảo cứu cho thấy, Ngài Lê Đại Độ, tiền hiền thủy tổ tộc Lê làng Lệ Sơn có các tên như sau:
- Nguyễn Hữu Đạo (gia phả tộc Lê làng Phù Lưu Tế, Mỹ Đức-Hà Tây)
- Lê Văn Đạo (gia phả tộc Lê Hữu làng Trừng Giang, Điện Trung, Điện Bàn-Quảng Nam; Hoàng Lê Ngọc Phả).
- Lê Đại Đạo (gia phả tộc Lê Hữu làng Ái Nghĩa, nay là thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
- Lê Độ (Đại Việt thông sử-Lê Qúy Đôn).
Kết luận: Ngài Lê Đạo là thủy tổ của tộc Lê làng Lệ Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), làng Trừng Giang (xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và làng Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây). Và 3 tộc Lê ở 3 nơi này đã thống nhất với tên gọi: tộc Lê dòng Lê Đạo.
3. Về thời gian Ngài vào Quảng Nam dinh trong khoảng 1430-1500 như ghi trong gia phả:
Qua nghiên cứu cho thấy, Ngài vào Quảng Nam dinh 2 lần liên quan đến hai lần bình Chiêm Thành dưới triều vua Lê Nhân Tông và vua Lê Thánh Tông:
+ Lần thứ nhất: theo Vua Lê Nhân Tông đánh Chiêm thành năm 1446 rồi theo đoàn quân về Bắc.
+ Lần thứ hai: Theo đoàn quân Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành năm 1471.
Về sau, khi lập Thừa tuyên Quảng Nam năm 1471, Ngài được sai phái cai quản, khai khẩn làng Lệ Sơn (thuộc thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến) , làng Trừng Giang (xã Điện Trung, Điện Bàn), vùng Đông Bàn (thuộc Điện Bàn).
Tại làng Trừng Giang, Ngài lấy thêm một vị hôn thê (không rõ họ tên), sinh hạ Ngài Lê Văn Dưỡng tiếp tục nối tông đường và truyền hậu duệ đến ngày nay. Tại làng Lệ Sơn, gia phả cho thấy:
- Ngài Lê Đạo sanh hạ Lê Văn Cốc (Đời thứ hai)
- Ngài Lê Văn Cốc sanh hạ Lê Văn Minh (Đời thứ ba)
- Ngài Lê Văn Minh sinh hạ Lê Công Lổ (Đời thứ tư)
- Ngài Lê Công Lỗ sanh hạ Lê Công Mạnh (Đời thứ năm)
- Ngài Lê Công Mạnh sanh hạ Lê Công Lượng (Đời thứ sáu)
- Ngài Lê Công Lượng sanh hạ Lê Công Lão (Đời thứ bảy)
- Ngài Lê Công Lảo sanh hạ Lê Công Đường (Đời 8/1) và Lê Công Tồn (Đời 8/2). Riêng Ngài Lê Công Tồn sanh hạ 5 con trai đã rời Lệ Sơn đi nơi khác không rõ lai lịch. Tộc Lê Lệ Sơn không ghi chép được hậu duệ của Ngài. Chính vì vậy tiếp nối các đời sau là con cái của Ngài Lê Công Đường.
Đến đời thứ 8, Ngài Lê Công Đường sanh 8 người con trai, nhưng có 3 người là vô tự, 1 người không rõ còn lại 4 người con trai hình thành bốn đầu ông chia thành 4 phái của tộc Lê Lệ Sơn ngày nay. Số đời đến nay là 23. Mộ của các Ngài và vị hôn thê của tất cả các Ngài từ thế tổ thứ hai đến thứ 9 đều có mộ phần tại Nghĩa trang tộc Lê Lệ Sơn. Riêng mộ Ngài Lê Văn Minh hiện nằm trong khuôn viên Chùa Phước Thiện, xã Hòa Tiến. Mộ Ngài Lê Công Đường và con trai Lê Hữu Đệ hiện còn tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến (trong gia phả ghi hai Ngài được táng tại Cồn Nhà Lệ tức cồn Cây Sơn; ngày nay khu đất này thuộc thôn Nam Sơn).
4. Về nguồn gốc làng Lệ Sơn, nơi Ngài đến khai lập:
Huyện Hoà Vang xưa là đất Chiêm Thành, đến giữa thế kỷ thứ XIV, vương quốc Chiêm Thành tan rã và nhập vào Đại Việt. Đến đời nhà Lê, Hoà Vang đã là đất huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hoá. Năm 1602, Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên đặt ra Quảng Nam dinh, 3 năm sau vào năm 1605 thăng huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hoá thành phủ Điện Bàn cho thuộc vào dinh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn lúc này gồm 5 huyện: Tân Phúc, Yên Nông, Hoà Vinh (sau là Hoà Vang), Diên Khánh, Phú Chân (sau là Duy Xuyên). Sách Đại Nam nhất thống chí ghi đầu bản triều mới đặt tên hiện nay . Theo đó, huyện Hoà Vang xuất hiện vào năm 1605 – đầu bản triều – tức đầu đời các chúa Nguyễn. Đến thế kỷ thứ XVIII, xứ Quảng Nam gồm hai phủ: Điện bàn và Thăng Hoa. Phủ Điện Bàn gồm huyện Hoà Vang và châu Diên Khánh. Lúc này phủ Điện Bàn có 5 huyện trong đó có huyện Hoà Vang. Huyện Hoà Vang cũng trong thời gian này có 3 tổng: Lệ Sơn, Hà Khúc và Lỗ Giáng, bao gồm có 53 xã, 4 giáp, 1 ty. Tên xã Lệ Sơn xưa chính thức lần đầu tiên xuất hiện và được ghi chép nằm trong Ô châu cận lục của Sung Nham Hầu Tiến sĩ Dương Văn An nhuận sắc năm 1553; là một trong 66 xã của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong. Theo Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn năm 1776: Tổng Lệ Sơn gồm 21 xã: An Phú, An Khang, An Trạch, Bồ Bản, Bích Trâm, Cây Hạm, Cẩm Hoà, Cẩm Toại, Diệm Sơn, Hương Lam, La Bông đông, Lệ Sơn, La Bông Tây, Phố Huyện, Phú Sơn, Thạch Bồ, Thuý Loan, Xuân Sơn, Yến Nê, Xuân An.
Có thể nói cùng với quá trình hoàn thành bình Chiêm dưới triều vua Lê Thành Tông năm 1471, các đơn vị hành chính bắt đầu có ở Thừa tuyên Quảng Nam đạo và các dòng họ Lê Quảng Nam Đà Nẵng bắt đầu hình thành đi kèm với quá trình vua sai phái các quần thần, hoàng tộc con cháu Nhà Lê ở lại vùng đất này khai phá và lập nghiệp, trong đó có Ngài Lê Đạo của tộc Lê làng Lệ Sơn, Hòa Tiến ngày nay. Ngài cũng là một trong số ít trong dòng dõi Nhà Hậu Lê tham gia vào hai cuộc bình Chiêm của hai triều vua Hậu Lê. Đất Hòa Vang (còn gọi là Hòa Vinh) thuộc Điện Bàn đã có từ thế kỷ XIV. Một nguyên tắc đặt tên làng và tên tổng ngày xưa là luôn luôn cùng một tên; ví dụ tổng Lệ Sơn thì có làng Lệ Sơn đi kèm và cái làng lập trùng tên tổng thường nằm ở vị trí trung tâm của tổng. Đến triều nhà Nguyễn, sau Cách mạng tháng Tám, sau ngày miền Nam giải phóng, tên làng Lệ Sơn vẫn không bị thay đổi. Ngày nay, làng Lệ Sơn thuộc thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
5. Về già Ngài về Bắc mất thì mất ở đâu?
Như một cơ duyên do tiên linh bề trên chỉ dẫn mà sau này các bác trong tộc gọi là hồng phúc của tổ tiên để lại, tôi đã tìm được đầu mối qua một cuộc điện thoại tình cờ có được khi tìm về nhà thờ tộc Lê Hữu làng Ái Nghĩa. Hôm đó, qua giới thiệu của các chú trong tộc Lê Hữu ở đây tôi xin được số điện thoại của anh Nguyễn Hữu Thủy ở Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Qua cuộc gọi nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ, tôi và anh Thủy như thấy mình là bà con lâu ngày mới gặp. Cả tôi và anh Thủy đưa ra các mảnh ghép và đối chiếu, nối kết thì rất phù hợp. Phía gia phả tôi đang tìm Ngài tiền hiền Lê Đạo thì thuộc dòng Lê Trừ ở Lệ Sơn nhưng không biết đến bây giờ mồ mã của Ngài còn không và nằm ở đâu thì không biết; còn phía anh Thủy thì biết tộc của mình từ bao đời nay truyền miệng và cho đến khi tìm ra gia phả thì mới biết mình gốc họ Lê nhưng do lịch sử thế nào không rõ lại chuyển sang họ Nguyễn. Cụ tổ anh Thủy ghi Nguyễn Hữu Đạo chính là Lê Đạo và tộc phả thuộc dòng Lê Khoáng. Và anh chỉ nghĩ cụ Tổ anh chỉ có hậu duệ ở Phù Lưu Tế thôi, ngoài ra không biết gì hơn. Câu chuyện vì sao cụ tổ nhà anh Thủy từ họ Lê chuyển sang họ Nguyễn (xin được đề cập phần dưới). Sau hai lần, tìm về Phù Lưu Tế trong năm 2016, gặp anh Thủy trưởng tộc Lê Hữu mang họ Nguyễn Hữu, gặp bà con họ tộc của anh, tôi xác minh chính thức Ngài Lê Đạo tiền hiền tộc quê tôi, cũng chính là tiền hiền ở Phù Lưu Tế, Mỹ Đức-Hà Tây. Tôi được anh Thủy và bà con đưa thắp hương nhà thờ, mộ cụ Tổ Lê Đạo. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khác lạ đặc biệt khi tìm làng Phù Lưu Tế bên kia sông Đáy của Hà Tây và cảm xúc dâng trào khi lần đầu tiên thắp hương ở nhà thờ tộc Lê, mộ cụ Tổ ở Phù Lưu Tế.
Anh Thủy mở gia phả ra, tôi có luôn lời đáp về các vị hôn phối và con cái của Ngài Lê Đạo ở quê hương Phù Lưu Tế:
- Cụ bà: Nguyễn Thị Nghĩa – vô tự (Mỹ Đức – Hà Tây)
- Cụ bà: Hoàng Thị Nữ Nhụ (Mỹ Đức), sinh :
+ Ngài Lê Văn Cốc (khai canh làng Lệ Sơn, có hậu duệ tại thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho đến ngày nay).
+ Ngài Lê Vô Danh (chết).
+ Ngài Lê Hữu Hiền (Nguyễn Hữu Hiền): có hậu duệ hiện nay tại xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
+ Đường Cô Tổ (vô danh).
+ Ngài Lê Nguyên Phong: có hậu duệ trực hệ là Ngài Lê Văn Dưỡng và truyền hậu duệ tại làng Trừng Giang, Xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn , Quảng Nam đến hôm nay 22 đời.
Vì Lê Trừ là anh Lê Lợi mà nhà vua Lê Lợi sinh năm 1385 nên có thể cho rằng Ngài Lê Trừ - Hoằng dũ đại vương sinh 1383. Theo gia phả thì Ngài Lê Trừ có 4 người con: con cả Lê Khôi, Lê Khang, Lê Khiêm và con út quý tử là Lê Đạo.
6. Vì sao Lê Đạo phải đổi họ thành Nguyễn Hữu Đạo?
Ngược dòng lịch sử cho thấy cuộc đời Ngài Lê Đạo gắn liền với sự nghiệp nhà Lê Sơ cũng như bao quần thần quốc thích khác. Đó là theo Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và chịu ảnh hưởng bởi sự tranh giành quyền lực ngay trong nội bộ nhà Lê Sơ ngay sau khi Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi hoàn toàn. Trong khoảng thời gian trị vì từ 1428-1433, Nhà Lê Sơ bắt đầu có sự tranh giành ngôi vương giữa Lê Tư Tề và Lê Nguyên Long và hình thành phe phái ủng hộ các bên với Lê Sát ủng hộ Lê Nguyên Long; Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xão, Lê Đạo, Lê Phúc An ủng hộ Lê Tư Tề.
+ 1433: Lê Lợi mất, trao ngôi vua cho Lê Nguyên Long là con thứ của Lê Lợi (vua Lê Thái Tông).
+ Năm 1433: Lê Tư Tề bị giáng xuống làm Quận Vương.
+ Năm 1438: Lê Tư Tề bị giáng xuống làm thứ dân. Cùng thời gian này, Ngài Lê Khôi, anh cả đang là trụ cột của triều đình cũng bị cho nghỉ về nhà không rõ lý do.
Ngài Lê Đạo từ năm 1439, rời kinh thành theo Quốc Vương Lê Tư Tề chạy trốn về Mỹ Đức và thay đổi họ thành Nguyễn Hữu Đạo. Tuy nhiên trong gia phả ghi rõ Nguyễn Hữu Đạo chính là Lê Đạo. Vấn đề này đổi họ để bảo toàn tính mạng này có liên quan đến việc tranh giành ngôi Vua giữa Lê Tư Tề và Lê Nguyên Long. Trong quá trình diễn ra tranh giành đã có sự tham giữa các thành viên trong dòng tộc ủng hộ mỗi bên; một bên là Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn và Lê Đạo ủng hộ Lê Tư Tề; một bên kia là Lê Sát ủng hộ Lê Nguyên Long. Ngay sau khi Lê Nguyên Long (Vua Lê Thái Tông) lên ngôi, chủ mưu Nguyễn Thị Anh (vợ Vua Lê Thái Tông) cùng phe Tư Đồ Lê Sát đã tiến hành các hành động hạ bệ Lê Tư Tề từ Quốc Vương xuống Quận Công, rồi làm thứ dân cũng như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xão bị bức hại. Năm 1439, do các hoạt động thanh trừng dữ dội tất cả những ai ủng hộ Quốc vương Tư Tề, cho nên cả gia đình, người thân trong học tộc, bà con với Quốc vương trong đó có Ngài Lê Đạo (con Lê Trừ: Quốc vương Tư Tề gọi bằng bác) đã trốn chạy sự truy sát của phe Lê Sát về Phù Lưu Tế, Mỹ Đức. Riêng hai người con gái là Mai Hoa Tuyết Quỳnh và Quế Hoa Công Chúa đã chịu cảnh bi thương của cuộc đời vì sự thanh trừng khốc liệt do tranh giành quyền lực của dòng họ. Mai Hoa Tuyết Quỳnh chạy trốn và cuối cùng ẩn tu cho đến khi viên tịch sau 39 năm tu hành tại Chùa Hương Tích, Mỹ Đức Hà Tây; còn nàng Mai Hoa Công Chúa thì qua đời sớm tại Phù Lưu Tế sau những năm tháng phiêu bạt về Thanh Hóa, Hà Tĩnh...Ngày nay, tại Phù Lưu Tế-Mỹ Đức Hà Tây, bên cạnh hậu duệ cụ Lê Đạo (4 phái), thì còn có hiện diện hậu duệ của Ngài Lê Tư Tề (3 phái).
Bằng chứng lịch sử nói về mưu đồ của Nguyễn Thị Anh, Lê Sát và ngay cả Vua Lê Thái Tông (em cùng cha khác mẹ với Quốc Vương Lê Tư Tề) đã được ghi lại trong Lê Triều Ngọc Phả, Đại Việt Sử ký toàn thư và các tư liệu lịch sử, công trình nghiên cứu khác sau này. Năm 1929 con cháu hậu duệ Lê Tư Tề, Vua Bảo Đại đã ký ấn chỉ Chúc thư để cải chính lại họ Nguyễn Hữu của Lê Tư Tề trở lại Lê Hữu và ấn chỉ này ban ra vào năm Bảo Đại tam niên. Đối với hậu duệ Lê Đạo (Nguyễn Hữu Đạo), cũng như của Lê Tư Tề do các điều kiện khách quan của gia tộc, của lịch sử đã không biết về Chúc thư cải lại họ gốc của mình. Do đó cho đến nay, về mặt pháp lý thì hậu duệ của Lê Đạo vẫn mang họ Nguyễn Hữu nhưng trong gia phả ở Nhà thờ tại Phù Lưu Tế đã khẳng định và ghi rõ cụ Tổ Nguyễn Hữu Đạo là Lê Đạo thuộc gốc gác của dòng Lê Trừ là hoàng tọc Nhà Hậu Lê.
Đối với Quốc vương Lê Tư Tề, lịch sử sẽ còn nói nhiều về Ngài, Quốc vương Lê Tư Tề, tục danh là Lê Hữu Lang, tự là Trung thần phụ quân. Ngài là con trưởng của Vua Lê Thái Tổ-Lê Lợi. Năm 1427, khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh đi vào thời điểm cao trào thì lực lượng của quân khởi nghĩa của Vua Lê Lợi gặp khó khăn cho nên Lê Lợi đã tạm nghị hòa, đình chiến với Vương Thông, tướng giặc Tàu lúc bấy giờ. Nhưng hai bên đưa ra trao đổi con tin làm cơ sở để nghị hòa. Và người con trai trưởng Lê Tư Tề của Vua cùng với Lưu Nhân Chú đi vào thành Đông Đô của giặc Minh làm con tin. Vì nghĩa lớn, vì sự thành công của cuộc kháng chiến chống quân Minh, Tư Tề chấp nhận hiểm nguy bất chấp tính mạng. Và một năm sau, 1428 , cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi thắng lợi hoàn toàn, mở ra thời đại Hậu Lê.
7. Quan hệ gia đình của Ngài Lê Đạo:
- Thân phụ:Lê Trừ - Hoằng dụ Đại vương
- Thân mẫu: Lê Thị Lăng –Trinh cẩn Thái phi
- Anh chị em ruột:
- Lê Khôi – Chiêu huy Đại vương (anh Cả)
- Lê Khang – Hiển Công vương (anh thứ hai)
- Lê Khiêm – Xương quốc công (anh thứ ba)
- Ông nội: Lê Khoáng – Tuyên tổ phúc Hoàng đế
- Bà nội là Trịnh Thị Ngọc Nương – Trinh từ Ý văn Hoàng Thái Hậu
- Chú bác ruột:
- Lê Học – Chiêu Hiếu Đại vương
- Lê Lợi – Thái tổ cao Hoàng đế
8. Thờ tự tâm linh: Hiện nay tại Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Nội), Lệ Sơn (Hòa Tiến, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và Trừng Giang (Điện Trung, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đều có nhà thờ tộc của mỗi nơi. Về ngày giỗ theo Âm lịch:
+ Cụ Lê Đạo: Ngày 19 tháng Chạp (12) hằng năm
+ Cụ Bà Nguyễn Thị Nghĩa: Ngày 8 tháng Giêng
+ Cụ Bà Hoàng Thị Nữ Nhụ và Đường Cô tổ: Ngày 4 tháng 1
+ Cụ Lê Hữu Hiền: Ngày 25 tháng 5
Như câu chuyện cổ tích rất có hậu, hành trình tìm về cội nguồn hơn 550 năm của tộc Lê dòng Lê Đạo đã được đền đáp; ba tộc họ Lê ở Lệ Sơn (TP. Đà Nẵng), Phù Lưu Tế (Hà Tây) và Trừng Giang (Quảng Nam) đã đồng thuận cao ký kết văn bản chính thức nối kết cội nguồn nhằm nuôi dưỡng huyết thống, Chim có Tổ Người có Tông, cùng nhau xây dựng tộc họ đời đời bền vững, ấm no hạnh phúc Đà Nẵng, ngày 19 tháng 12 năm 2016
TS. Lê Văn Nho Hậu duệ đời thứ 20 của tộc Lê Lệ Sơn, dòng Thiếu úy Quận công Lê Đạo.