Trong cái nắng một chiều cuối tháng Bảy oi nồng, tôi về quê tìm gặp bác Lê Văn Vạn 88 tuổi để nghe câu chuyện của làng Lệ Sơn được truyền miệng từ đời này sang đời khác và nghe câu chuyện của tộc họ Lê Lệ Sơn quê tôi từ khai thiêng lập địa đến bây giờ đã hơn 550 năm. Đây cũng là dịp tôi đối chiếu lại bia mộ với gia phả gốc của tộc Lê quê tôi viết ra cách đây 105 năm vào năm Duy Tân lục niên 1912 cùng với những điều nghe được từ bác, một người từng làm Trưởng tộc Lê quê tôi.
Bên khung cảnh chiều quê, nơi bạt ngàn ngôi mộ, tôi nghe ông kể rành mạch về những lần quy tập mồ mã tổ tiên dòng họ qua các thời kỳ khác nhau, trước chiến tranh và sau ngày hòa bình thống nhất đất nước. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, sắp về với ông bà nhưng trí nhớ cùng với vốn chữ Nho, Ông đã vẽ ra những mốc thời gian rõ ràng với tư cách người trong cuộc của dòng họ.
Đứng trước khu Nghĩa trang tộc họ hiện nay, Ông nói rằng nơi an táng ổn định lâu dài này đã phải trải qua 3 lần di dời, quy tập mồ mã mới có được và thuộc 9 đời đầu tiên của tộc họ chúng tôi, có niên đại 350 đến 550 năm về trước.
Xưa xã Lệ Sơn thuộc Tổng Lệ Sơn (21 xã) có các tên địa danh khác nhau nằm trong cái xã Lệ Sơn ngày nay. Các địa danh xưa của Lệ Sơn như xóm Bàu, cồn Đình, cồn Mồ, cồn Nhà Lệ (sau gọi cồn Cây Sơn), cồn cây Roải, cồn Bồng, cồn Chiêm chiêm, cây Da ông Kiệp xứ, mạch Làng...Đối với các cụ Tổ tộc tôi khi mất đi thì táng tại những nơi ấy nhưng chủ yếu ở cồn Mồ (bà táng theo ông), ngoài ra nằm rải rác ở cồn Đình, cồn Nhà Lệ, cồn cây Roải (gò núi Chót?).
- Lần thứ nhất quy tập toàn bộ mồ mã từ cồn Mồ về cồn Đình ( trừ mộ tổ đời 3, đời 8, đời 9). Lần này diễn ra trước 1975. Trong quá trình di dời một số mộ tổ có bia được táng nguyên mộ theo bia.
- Lần thứ hai quy tập từ cồn Đình về Mạch Làng (thuộc thôn Nam Sơn ngày nay) và công việc diễn ra vào năm 1977.
- Lần thứ ba diễn ra năm 1997 (sau 20 năm): toàn bộ 44 mộ thuộc đời thứ hai đến đời thứ chín. Tuy nhiên, mộ các tổ đời thứ ba (Ngài Lê Văn Minh), thứ tám ( Ngài Lê Công Đường) và thứ chín ( Ngài Lê Hữu Đệ) được đưa về Nghĩa trang Lê tộc theo kiểu Thỉnh hồn - Lập vị - Ghi danh tức là mộ chính gốc vẫn nằm yên chỗ cũ. Trong lần quy tập này, tộc Lê giữ lại 7 ngôi mộ, trong đó có 5 mộ xây còn bia gốc và hai mộ đất không có bia. Tuy nhiên, trong suốt 40 năm qua, 5 văn bia này không được dịch nên gần như cả tộc không rõ nghĩa và mối liên quan giữa bia và mộ. Việc này tồn tại cho đến bây giờ.
Qua khảo sát, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm Nguyễn Hoàng Thân và em Lê Văn Thắng (học trò cũ tỉnh Nam Định) đã dịch 5 bia nói trên. Tôi đã đối chiếu gia phả tộc thì thấy trùng khớp như sau:
- Ngài tiền hiền đời thứ Nhất là Lê ĐẠO (húy Lê Đại Độ), vào khai phá làng Lệ Sơn, không rõ vị hôn thê và khi mất về Bắc mất nên tộc đã làm một mộ theo kiểu mộ gió. Bia ghi rõ tiền hiền thủy tổ tộc Lê Lệ Sơn. Thời gian qua, tộc chúng tôi đã tìm ra mộ Ngài và kết nối với tộc Lê xã Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.
- Hai mộ bia ở giữa là tiền hiền thủy tổ đời thứ hai: ngài Lê Văn Cốc và Nguyễn Thị Nương. Trong gia phả, vợ các Ngài từ đời thứ hai đến đời thứ chín thì duy nhất cụ Bà Nương mang họ Nguyễn. Điều này phù hợp với văn bia ghi. Năm lập văn bia 1857.
- Hai mộ bia cuối cùng hàng thuộc về tiền hiền thủy tổ đời thứ ba: Ngài Lê Văn Minh và bà Trần Thị Tiên vì vợ các Ngài 9 đời chỉ có cụ Bà Tiên họ Trần. Năm lập văn bia 1893.
- Còn hai mã đất bên dưới, không có bia thì bác Vạn cho rằng đây là mộ tổ đời thứ tư: Ngài Lê Công Lỗ và bà Đoàn Thị Liễu. Về hai mã này, cần thảo luận thêm trong tộc.
Cuối ngày mừng vui khôn tả khi bước đầu câu chuyện mộ tổ tiên dòng tộc đã sáng rõ hơn.
Quê nhà, 30/7/2017
Nho Lê Văn